"Chúng ta đang chỉ đào tạo bóng đá mà không đào tạo nhân cách cầu thủ"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Từ lâu các CLB chỉ lo huấn luyện chuyên môn, không giáo dục đạo đức, tư tưởng cầu thủ nên xảy ra nhiều tiêu cực. Trước là Văn Quyến, giờ lại là 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh".

Những ngày qua, sự việc 5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị công an tạm giữ để điều tra các hành vi liên quan tới việc sử dụng trái phép chất ma túy gây rúng động dư luận. Đáng nói hơn khi trong số này có sự xuất hiện của Đinh Thanh Trung (Đội trưởng, Quả bóng vàng Việt Nam 2017) và Nguyễn Ngọc Thắng (Tuyển thủ Đội tuyển U23 Việt Nam). Ba cái tên còn lại là Dương Quang Tuấn, Nguyễn Trung Học và Nguyễn Văn Trường. 

Sự việc làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác quản lý cầu thủ đối với các đội bóng tại V.League. Nhiều người tin rằng sự dễ dãi, nuông chiều và lỏng lẻo trong khâu quản lý của đội bóng chính là nguyên nhân khiến cầu thủ vướng vào "bóng ma" của những tệ nạn như bán độ hay ma túy. 

Chúng ta đang chỉ đào tạo bóng đá mà không đào tạo nhân cách cầu thủ - 1

Sự xuất hiện của Đinh Thanh Trung, đội trưởng, "anh cả" của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trong nhóm 5 cầu thủ sử dụng ma túy khiến nhiều người ngỡ ngàng (Ảnh: Hoài Anh).

Từ câu chuyện của HLV Văn Sỹ Sơn và Đình Bắc

Từ câu chuyện trên, độc giả Suong Bao lập tức liên tưởng tới câu chuyện giữa HLV Văn Sỹ Sơn và tiền đạo trẻ Nguyễn Đình Bắc xảy ra gần đây, khi ông thầy quê Nghệ An không ngần ngại "dằn mặt" cậu học trò trên các phương tiện truyền thông. 

"Thế mới thấy việc HLV Văn Sỹ Sơn (Quảng Nam) gay gắt với cầu thủ trẻ như Đình Bắc là không bao giờ thừa, đặc biệt dưới tư cách một người thầy, một nhà cầm quân. Ngẫm đến triết lý tiền nhân răn đe hậu duệ: Tiên học lễ - Hậu học văn, không bao giờ là lỗi thời", người này bình luận. 

Còn với anh Van Dung Nguyen, người này nhớ lại trường hợp của Phạm Văn Quyến, "thần đồng" một thời của bóng đá Việt Nam nhưng đánh mất tất cả khi sa đà vào bán độ. Độc giả này viết: "Từ lâu các câu lạc bộ chỉ lo huấn luyện về chuyên môn, không giáo dục đạo đức, tư tưởng cho các cầu thủ nên đã xảy ra nhiều tiêu cực trong bóng đá. Trước là Văn Quyến, giờ lại là 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh". 

Tiếp tục lấy ví dụ về một trường hợp cầu thủ khác sa đà vào tệ nạn để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cầu thủ, anh Nguyễn Xuân Đức bình luận: "Tôi nghĩ đây chỉ là số ít sự thật không may bị phanh phui. Mọi người chắc vẫn nhớ vụ Huy Hoàng phê thuốc? Cầu thủ bây giờ đá bóng tốt thì nhiều nhưng không mấy người tránh được thị phi, chính xác hơn là nhân cách kém!". 

Chúng ta đang chỉ đào tạo bóng đá mà không đào tạo nhân cách cầu thủ - 2

Thủ môn Dương Quang Tuấn và tiền vệ Đinh Thanh Trung, 2 cầu thủ giàu kinh nghiệm hàng đầu tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trở thành tấm gương xấu cho các đàn em (Ảnh: Hoài Anh).

"Ý thức của cầu thủ chỉ là một phần, sự giáo dục, quản lý lỏng lẻo của CLB, HLV góp phần tạo nên những sự việc không đáng có như trên. Trừ một người đã 36 tuổi, các em còn lại đều còn trẻ, xa gia đình. Trong tay lại có nhiều tiền, cám dỗ của mặt trái xã hội nên gục ngã rất dễ xảy ra", độc giả Tuân Phạm nêu ý kiến. 

"Bóng đá chuyên nghiệp đã giúp cho rất nhiều cầu thủ có cơ hội đổi đời nhanh chóng khi tuổi đời còn khá trẻ, song nếu các CLB không song hành luyện tài đi đôi với đức thì sẽ có rất nhiều cầu thủ sa ngã, lầm đường lạc lối, không khác gì các tài năng bóng đá từ Nam Mỹ, châu Phi đặt chân đến trời Âu. Ngoài sự nghiệp trên sân cỏ, các cầu thủ này cũng ăn chơi tới bến để thỏa mãn, bù đắp những năm tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà. Hậu quả như nào thì không cần nói ai cũng biết", chủ tài khoản Athena Cruise so sánh. 

Cầu thủ "chuyên nghiệp" nhưng ý thức "nghiệp dư"

Đối với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, việc giữ gìn chế độ ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt tránh xa các chất kích thích là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe, thể lực để có thể thi đấu đỉnh cao ở cường độ cao. Tuy nhiên, sự việc 5 cầu thủ Hà Tĩnh sử dụng ma túy chẳng khác nào "cái tát" vào mặt người hâm mộ, vào niềm tin và sự kỳ vọng vào sự chuyên nghiệp hóa của thể thao nước nhà. 

"Tất cả bọn họ là người trưởng thành, là cầu thủ chuyên nghiệp nên cần biết điều gì nên và không nên. Nay họ lao vào thứ ma túy này thì họ đã tự bít đường đi của bản thân rồi. Những đội bóng khác thì sao, thật khó để nói trước, nhưng tôi mong tất cả đều "sạch"!", độc giả Nam Chau bình luận. 

Chúng ta đang chỉ đào tạo bóng đá mà không đào tạo nhân cách cầu thủ - 3

Nguyễn Trung Học, trụ cột của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, nằm trong số 5 cầu thủ có nguy cơ vướng lao lý (Ảnh: Hoài Anh).

"Nghiện ma túy thì đá đấm gì. Hủy hoại sức khỏe, chạy không nổi, coi như sự nghiệp giải nghệ sớm. Chúng ta đang chỉ đào tạo bóng đá mà không đào tạo nhân cách", độc giả Huệ Nguyễn Thị thẳng thắn chia sẻ. 

"Cầu thủ bóng đá mà dính đến một trong hai thứ: Ma túy và Cờ bạc (cá độ), thì nên loại bỏ vĩnh viễn khỏi môn thể thao này", độc giả có nickname TenMienNgon khẳng định. 

"Không hiểu những người hoạt động thể thao cường độ cao, cần thể lực rất nhiều, tại sao lại cắm đầu vào những thứ này. Nếu không bị bắt thì sự nghiệp cũng tàn nhanh theo nàng tiên trắng", anh Minh Quang Lê nêu quan điểm. 

"Là người chơi thể thao, tôi khẳng định chỉ một điếu thuốc hay một vài lon bia cũng đủ để tàn phá các nhóm cơ trên người, chưa nói gì đến chất kích thích nặng như ma túy. Sự việc trên là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm sự nuông chiều, buông lỏng, bỏ bê trong việc quản lý của các đội bóng cũng như thái độ thiếu chuyên nghiệp, bê tha, sa đọa của các cầu thủ. Kể cả không bị phát giác, những cái tên này không sớm thì muộn rồi sẽ bị thể thao chuyên nghiệp đào thải mà thôi. 

Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn nữa những Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng hay Phạm Tuấn Hải, những tấm gương sáng về chuyên môn, đạo đức và thái độ nghiêm túc với nghề để cầu thủ trẻ noi theo", độc giả Hoàng Linh bình luận.