DMagazine

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình

(Dân trí) - Trên chuyến bay về Việt Nam, tân tiến sĩ 9X người Nam Định đắm chìm trong những ý tưởng, để phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo giải quyết những vấn đề "chỉ người Việt mới giúp được người Việt".

Tháng 10 năm 2019, trong căn phòng nhỏ tại thành phố Toulouse, Pháp, chàng trai sinh năm 1992 người Nam Định Phạm Huy Hiệu xếp gọn những tư trang cuối cùng vào chiếc vali.

Tấm bằng Tiến sĩ Khoa học Máy Tính loại xuất sắc mang tên mình, do chính Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Máy tính Toulouse (IRIT) trao cách đó một ngày, được Hiệu đặt cẩn thận vào vị trí trang trọng nhất.

Những cơ hội và lời mời làm việc với mức lương ngất ngưởng cùng điều kiện nghiên cứu "trong mơ" tại Pháp, Mỹ, Thụy sĩ, Singapore và các quốc gia phát triển khác, được anh gác lại. Trên chuyến bay về Việt Nam, tân tiến sĩ 9X đắm chìm trong những ý tưởng để trả lời cho câu hỏi "về nước sẽ làm gì?".

Về nước, ngay hôm sau TS Phạm Huy Hiệu có mặt tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigData). Hành trình dấn thân giải quyết những vấn đề "chỉ người Việt mới giúp được người Việt" cũng bắt đầu từ đó.

Tiến sĩ 9X và khát vọng phát triển các giải pháp y tế số giá rẻ

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 1

- Từ môi trường hoàn hảo và quen thuộc cho công tác nghiên cứu ở một nước phát triển, anh có bị "sốc văn hóa" khi về nước làm việc, nhất là khi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn đang rất "sơ khai" tại Việt Nam?

TS Phạm Huy Hiệu: Nhiều người học tập và nghiên cứu ở nước ngoài khi về Việt Nam kỳ vọng một môi trường làm việc lý tưởng (về chất lượng nhân lực và hạ tầng nghiên cứu) như ở các nước phát triển. Thành thực mà nói điều đó là rất khó nếu không muốn nói là không thể ở thời điểm hiện tại.

Tôi là một người thực tế, không bay bổng viển vông và hiểu rõ điều gì đang chờ đón mình. Tôi nghĩ khi về nước sẽ không có "thảm đỏ", nhưng điều đó không giảm đi sự hào hứng của tôi khi trở về.

Suy nghĩ của tôi "ngược chiều" với số đông. Tôi nghĩ cái gì chưa có thì mình sẽ tạo dựng. Nói một cách khác, tôi thích mình đóng vai trò là "người mở đường" những hướng nghiên cứu mới. Trở về khi tất cả đã "hoàn hảo" thì đóng góp của mình cũng không có quá nhiều ý nghĩa nữa.

Mong muốn của tôi là tạo dựng môi trường nghiên cứu cạnh tranh quốc tế, chuyên nghiệp tại chính những nơi tôi làm việc. Môi trường đó sẽ giúp tiến hành các nghiên cứu tiên phong, phát triển công nghệ mới và đào tạo con người với mục tiêu sau cùng là phục vụ cộng đồng. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu mà tôi đặt ra khi quyết định về nước.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 3

Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi đều rất tài năng và trở về nước làm việc. Nhiều người trong số họ đang làm việc ở môi trường công lập và đã có những đóng góp rất nổi bật trong nghiên cứu và đào tạo.

Những thành công đó đến ngay cả với điều kiện còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Trong điều kiện như vậy, họ cũng có thể xoay xở để thành công. Những con người đó đều là những người tôi ngưỡng mộ và nỗ lực của họ thực sự làm tôi cảm thấy tiếp thêm được động lực.

Trong hệ thống các đơn vị nghiên cứu của Vingroup mà tôi làm việc, trước đây là VinBigData và giờ là VinUni đều đã dành những nguồn lực tốt nhất của mình, để xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh, khuyến khích tự do và sáng tạo. Nơi các giảng viên, nhà khoa học có thể tập trung thời gian và trí tuệ vào công việc giảng dạy & nghiên cứu với sự hỗ trợ của một hệ thống quản trị hiện đại, tinh gọn và các thủ tục được đơn giản hóa.

Chúng tôi được hỗ trợ, tạo điều kiện như vậy nên luôn nỗ lực để làm tốt công việc của mình.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 5

Khoa học thì không có biên giới nhưng những người làm khoa học thì ai cũng có Tổ quốc của riêng mình. Có những bài toán, vấn đề mang tính đặc thù quốc gia và chỉ người Việt mới giải quyết được. Điển hình như trong lĩnh vực y tế thông minh mà tôi đang theo đuổi, có nhiều bài toán mang bối cảnh địa phương (local context) mà không nơi nào khác có cả.

Là một người trẻ và được đào tạo ở những môi trường phát triển nhất, tôi muốn "dấn thân". Đương nhiên "dấn thân" không đồng nghĩa với việc hy sinh bất chấp mà phải rất thực tế.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 7

Trong thời gian ở Pháp, tôi đã nhìn thấy có rất nhiều cơ hội ở Việt Nam. Tôi biết ở Việt Nam có những công việc khó và hấp dẫn. Bên cạnh đó, dựa trên những gì tôi được đào tạo ở Pháp và Mỹ, tôi muốn mở đường và dẫn dắt một số nghiên cứu mới tại Việt Nam.

Cơ duyên đến khi vào tháng 2/2019, tôi về Việt Nam và có cơ hội trao đổi với Giám đốc vận hành Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigData). Phía Viện cũng đã mời tôi về làm việc sau khi tốt nghiệp. Họ chia sẻ về tầm nhìn và những dự án sẽ triển khai và nó đúng với mục tiêu của mình nên tôi nhận lời ngay. Đây là công việc đầu tiên của tôi khi tốt nghiệp Tiến sĩ.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 9

- Lý do vì sao anh lại lựa chọn đi sâu vào lĩnh vực y tế thông minh?

AI là công cụ nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác. "AI + X" là một xu thế được các trung tâm nghiên cứu, công ty công nghệ và trường đại học phát triển mạnh mẽ.

X là một lĩnh vực bất kỳ mà ở đó AI trở thành công cụ hỗ trợ phân tích, dự đoán và đưa ra khuyến nghị để đẩy nhanh quá trình tìm ra lời giải tối ưu. Với tôi X là lĩnh vực y tế, nhất là y tế chính xác, cá thể hóa và y học dự phòng. Có nhiều lý do để tôi đi đến lựa chọn này.

Thứ nhất là sự bùng nổ của dữ liệu y tế cá nhân khi các thiết bị đeo thông minh và điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi.

Thứ hai, các mô hình AI và các công cụ phân tích dữ liệu mới đang phát triển rất mạnh mẽ và đạt tới độ chính xác đủ để tạo ra một loạt ứng dụng mới giúp chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ điều trị nhanh và chính xác hơn.

Thứ ba, đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và tinh thần của con người. Nó đương nhiên rất quan trọng. Và nếu nó quan trọng với mọi người thì tác động của nó sẽ là rất lớn với xã hội.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 11

- Việc ứng dụng một thứ quá mới mẻ như trí tuệ nhân tạo trong một lĩnh vực lại rất "truyền thống" và đặc thù như y tế liệu có quá mạo hiểm?

Tôi không nghĩ trí tuệ nhân tạo được coi là mới mẻ nữa. Nó đã được triển khai ở hầu hết tất cả các lĩnh vực và là xu thế không thể đảo ngược. Lịch sử cho thấy gần như tất cả các đột phá trong y khoa có vai trò to lớn của công nghệ.

Công nghệ giúp tạo ra các công cụ mới ngày càng hiện đại và tinh vi hơn giúp các nhà thực hành lâm sàng quan sát và nhận biết rõ hơn các biểu hiện của bệnh lý. Y tế là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người nên việc ứng dụng AI đều có những quy chuẩn kiểm soát an toàn ngặt nghèo.

Hiện tại, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang chạy đua phát triển công nghệ trong lĩnh vực y tế. Ngay tại chính Việt Nam, nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân đang rất quan tâm việc tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ mới.

Không ít đơn vị đã sử dụng robot phẫu thuật AI hoặc phần mềm AI để hỗ trợ chẩn đoán. Lợi ích rất rõ ràng. Một bệnh viện ở TPHCM mà tôi biết khi đưa công nghệ sàng lọc Glocom (bệnh tăng nhãn áp) vào lâm sàng đã giúp hiệu quả xử lý tăng gấp 3 lần.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 13

Với sự phát triển của AI và các công nghệ số trong thời đại 4.0 hiện nay, tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ sớm chứng kiến một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực y tế, như cách mà máy chụp phim X-quang, CT hay MRI đã làm được trước đó.

Nói như vậy không có nghĩa triển khai y tế số tại Việt Nam không gặp những thách thức. Thậm chí là thách thức lớn.

Trước hết, ngành y tế của chúng ta hiện đang gặp phải nhiều vấn đề như quá tải, thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị.

Khi nguồn lực hạn chế, việc giải quyết những vấn đề căn bản và bức thiết trở thành ưu tiên hàng đầu, rồi mới tính đến phát triển cái mới như y tế số, y tế thông minh.

Thứ hai, trong lĩnh vực y tế chúng ta thiếu hạ tầng đồng bộ, thiếu sự liên thông về mặt dữ liệu và dữ liệu thì không được chuẩn hóa. Trong khi đó, để triển khai y tế số cần có hạ tầng trước. Và thực tế, Việt Nam đang đi sau về "chuyển đổi số" trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, khả năng chấp nhận đổi mới trong thế giới y khoa rất khó. Một bác sĩ được đào tạo 6 năm trên ghế đại học, học thêm 4 năm, đi hành nghề 30 năm, thì họ đã rất quen với guồng việc hàng ngày.

Bây giờ đưa công nghệ vào, bác sĩ phải làm quen với một thứ quá mới mẻ, guồng công việc cũng phải thay đổi theo quy trình mới sẽ là vấn đề, khi họ đã quá bận rộn với công việc khám chữa bệnh thường quy.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 15

- Hãy nói về đứa con tinh thần của anh và các cộng sự: VAIPE. Vì sao anh lựa chọn hướng tiếp cận y tế thông minh từ người dân, thay vì các cơ sở y tế vốn đang gặp rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ như đã nêu?

Chuyển dịch từ điều trị sang chẩn đoán sớm và đẩy mạnh y học dự phòng là xu thế y tế toàn cầu. Rõ ràng, chi phí cho sức khỏe ở giai đoạn giám sát và phòng bệnh so với chi phí điều trị trên giường bệnh là rẻ hơn rất nhiều.

Người dân Việt Nam thường chỉ vào viện khi bệnh trở nặng, việc giám sát các triệu chứng, tình trạng sức khỏe cá nhân còn hạn chế và coi nhẹ. Rất nhiều vấn đề của ngành y tế như bệnh viện quá tải, các bệnh lý ung thư, tim mạch gia tăng mạnh và trẻ hóa ở Việt Nam có nguyên nhân chính từ nhận thức trên.

Do đó, tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois thuộc Đại học VinUni và các đồng nghiệp của chúng tôi tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã lựa chọn phương án giải quyết vấn đề theo hướng: Làm sao để mỗi người chủ động theo dõi các chỉ số sức khỏe của mình.

Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt (VAIPE) ra đời với mục tiêu hình thành thói quen quản lý sức khỏe chủ động và chẩn đoán sớm các biểu hiện sức khỏe bất thường.

VAIPE có ý nghĩa ở chỗ nó giúp mọi người chủ động quản lý sức khỏe của mình thông qua việc số hóa và phân tích dữ liệu y tế cá nhân.

Theo đó, thói quen sử dụng thuốc; theo dõi nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng… sẽ được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý.

Giải pháp này được tích hợp công nghệ AI và đã huấn luyện trên cơ sở dữ liệu quy mô lớn của người Việt cho phép phân tích dữ liệu tự động và chính xác. Chỉ cần bật máy lên, bạn có thể biết sức khỏe của mình như thế nào, khi nào phải uống thuốc, khi nào cần đến bệnh viện thăm khám.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 17

Công cụ AI giúp theo dõi sức khỏe thời gian thực, từ đó chẩn đoán sớm các nguy cơ và chặn nó từ trong "trứng nước" sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn.

- Quả cầu Vàng 2023 cùng hàng loạt giải thưởng danh giá khác đã phần nào minh chứng cho tính ưu việt và đột phá của VAIPE. Thế nhưng làm thế nào để VAIPE đi vào thực tiễn và mang lại giá trị cho cộng đồng, thay vì "chết yểu" như không ít các công trình khoa học cũng từng được đánh giá rất cao trước đây?

Biến các ý tưởng nghiên cứu thành các giải pháp thiết thực giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống luôn là vấn đề thách thức.

Bản chất của nghiên cứu là rủi ro. Có nghĩa tỷ lệ thành công chỉ ở một mức độ nhất định nào đấy. Tuy nhiên, đối với nhóm nghiên cứu chúng tôi luôn xác định đo đạc thành quả nghiên cứu thông qua tác động tích cực của nó tới xã hội.

Chính vì vậy chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đưa giải pháp này phục vụ tốt cho cộng đồng.

Những tính năng hiện tại của VAIPE chỉ đang là những bước sơ khai trong hành trình dài của chúng tôi để thay đổi thói quen quản lý sức khỏe của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang phát triển nhiều tính năng mới như nhận diện thuốc, số hóa dữ liệu về đơn thuốc. Chỉ cần quét đơn thuốc bằng thiết bị di động, bệnh nhân có thể biết thông tin về các loại thuốc, giá thành và thậm chí là đặt thuốc về tận nhà.

Một tính năng tiềm năng khác là việc tích hợp nền tảng Telemedicine, để người dân có thể được bác sĩ tư vấn, thăm khám online. Hiện tại, giải pháp này cũng được mở rộng thêm tính năng đọc và phân tích kết quả xét nghiệm tự động dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ nghiên cứu giải pháp đo huyết áp liên tục. Đây là một bài toán rất khó về mặt công nghệ. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, tỷ lệ tử vong chiếm đến 20% và đang ngày càng trẻ hóa.

Nếu có thể chế tạo một thiết bị nhỏ gọn để kiểm soát huyết áp liên tục sẽ giúp phát hiện kịp thời cơn tăng huyết áp hay tín hiệu cảnh báo đột quỵ.

Bệnh nhân được đưa đến viện kịp thời sẽ tránh đi những hậu quả đáng tiếc, vốn tạo ra gánh nặng rất lớn cho chính người bệnh, gia đình và xã hội.

Tôi tin rằng, giải pháp y tế thông minh đảm bảo được sự "cộng sinh" các nền tảng y tế truyền thống và đem lại lợi ích thiết yếu cùng sự tiện dụng cho người dân thì sẽ được cộng đồng đón nhận và lan tỏa.

Trong tương lai, việc người dân tự mở máy điện thoại để quản lý sức khỏe cũng sẽ trở thành một thói quen mới của thời đại 4.0.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 19

 - Anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ, những người bắt đầu dấn thân vào nghiên cứu?

Nếu đã quyết định đi sâu vào nghiên cứu khoa học, không riêng gì lĩnh vực công nghệ, tôi cho rằng, các bạn trẻ cần xác định rõ ràng mục tiêu của mình ngay từ đầu, và biết cách nuôi dưỡng đam mê xuyên suốt quá trình làm việc.

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự kiên trì và thậm chí là hy sinh, thứ giữ được chúng ta tiếp tục theo đuổi chính là đam mê. Mục tiêu và ý nghĩa sau cùng của công việc chính là phụng sự cộng đồng.

Các bạn trẻ hãy tìm ra một bài toán tạo ra được lợi ích cho cộng đồng. Lấy đó làm vạch xuất phát để học tập, trau dồi chuyên môn và bước cuối cùng là tìm ra lời giải. Tôi tin rằng, con đường này không chỉ đóng góp cho xã hội mà còn mang lại thành công và giá trị cho chính mình.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh và có nhiều cơ hội mở ra cho các bạn trẻ. Đặc biệt là khi chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế số tạo ra ý tưởng dịch vụ mới thì cơ hội ở khắp mọi nơi.

Trong khi đó, người trẻ ở Việt Nam hiện có năng lực về công nghệ và ngoại ngữ rất khác biệt so với thế hệ trước.

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 21

Tôi tin rằng đất nước sẽ có một lực lượng khoa học trẻ hùng hậu, chuyên nghiệp và tràn đầy khát vọng cống hiến để đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới. Tính tới nay cũng đã gần 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, đó không phải là quãng thời gian ngắn nữa. Tôi nghĩ rằng nếu không phải thế hệ chúng tôi chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển và thịnh vượng từ bây giờ thì chờ đến bao giờ.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có Tổ quốc của riêng mình - 23

Nội dung: Bảo Trung, Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Đức Bình