1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu?

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ vụ shipper nhảy cầu vì áp lực nợ nần sau bệnh tật, nhiều chuyên gia chỉ ra thực tế rằng, nhiều lao động tự do như shipper, tài xế chưa có hợp đồng lao động, chưa tiếp cận đầy đủ các chế độ an sinh.

Mới đây, sự việc nam shipper (người giao hàng) quyết định nhảy cầu vì quá áp lực, đã khiến nhiều người xót xa. Được biết, anh làm nghề giao hàng hơn 2 năm qua. Thời gian gần đây, anh phát có khối u, phải vay nợ bên ngoài để phẫu thuật với chi phí khoảng 40 triệu đồng.

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu? - 1

Anh P., shipper được cứu sống sau lần nhảy cầu vì quá áp lực (Ảnh: Nguyễn Đỗ Trúc Phương).

Sau phẫu thuật, anh đi làm trở lại nhưng thu nhập ít ỏi, không trả nổi số nợ. Lâu dần, số tiền nợ mới nợ cũ đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì quá bế tắc, anh đã dại dột nhảy từ cầu Phú Mỹ xuống sông Sài Gòn, định từ bỏ cuộc sống.

Không có bất kỳ sự đảm bảo nào

Theo khảo sát do Grab phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện, thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng,…) của tài xế mô tô đang ở mức 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho hay, về phúc lợi, hầu hết nhóm lao động này không được hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết,… Họ chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng (hoa hồng nhờ làm vượt định mức) và tiền boa của khách hàng,...

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu? - 2

Tài xế công nghệ, shipper phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày để đổi lấy thu nhập đáp ứng cuộc sống sinh hoạt (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Nhiều nghiên cứu cho thấy các tài xế toàn thời gian phải làm việc 8-13 tiếng/ngày; tài xế bán thời gian là 5-6 tiếng/ngày. Thời gian làm việc linh hoạt nhiều giờ trong ngày đã vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ luật Lao động năm 2019 (tối đa 12 tiếng/ngày).

Họ còn bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc. Tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao. Trung bình, tài xế, shipper chỉ nhận được khoảng 75% giá trị đơn hàng, nhưng trong đó, họ đã phải tự trả thêm 30% cho chi phí phương tiện, khấu hao,…

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu? - 3

Tỷ lệ chiết khấu cao, tài xế, shipper còn phải gánh thêm các chi phí khác (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Vấn đề đáng chú ý nhất chính là hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc (hợp đồng đối tác) mà không có hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động không được đảm bảo quyền lợi lao động và an sinh xã hội khi gặp rủi ro.

"Người lao động cũng hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội như các hỗ trợ từ Chính phủ khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh, chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân. Hiện có hàng trăm nghìn tài xế chạy xe công nghệ và hầu như không ai được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi đây là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro", ông Tuấn nói.

Tạo "giá đỡ" an sinh cho người lao động

Theo ông Tuấn, nếu tình trạng trên kéo dài, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xảy ra tranh chấp. Do vậy, cần có thêm nhiều chính sách để bảo vệ họ về tiền lương, thu nhập; quyền tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quyền về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc theo Bộ luật Lao động 2019.

"Đồng thời, cần tăng cường các quy định về cơ chế giám sát doanh nghiệp nền tảng, từ đó hướng đến chuẩn hóa, hợp pháp, sửa đổi hệ thống an sinh xã hội để duy trì ổn định quan hệ lao động", ông Tuấn đề xuất.

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu? - 4

Chuyên gia cho rằng người lao động cần hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình để không phải đối mặt với nhiều rủi ro (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Ông Tuấn cho rằng nhà cung cấp các nền tảng số cần nhận thức về trách nhiệm đảm bảo quyền, các chế độ chính sách liên quan đến việc làm (hợp đồng, bảo hiểm, đào tạo nâng cao trình độ, các chế độ phúc lợi…) cho người lao động sử dụng dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần nâng cao các kỹ năng làm việc, trình độ, hiểu biết về pháp luật dân sự, pháp luật lao động, nắm được quyền và các chính sách về việc làm của Nhà nước để ứng phó với các rủi ro về việc làm, quan hệ lao động.

Hơn hết, quan trọng nhất là chính sách về BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đầy đủ thì người lao động sẽ yên tâm gắn bó với người sử dụng lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vụ shipper nhảy cầu vì áp lực: Nguyên nhân sâu xa từ đâu? - 5

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an sinh, xã hội cho người lao động tự do (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Thực tế, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 và sắp sửa được trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

"Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời củng cố hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hiệu quả và bền vững hơn", ông Tuấn chia sẻ.

Ngày 23/11/2023, tại phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nêu ý kiến, thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cụ thể, bà Thúy đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động dựa trên nền tảng công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo nữ đại biểu, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.

Nhóm lao động trên cũng bị ảnh hưởng từ nhiều chính sách. Khi công ty công nghệ tăng thêm một vài phần trăm tỷ lệ ăn chia là hai bên đã phát sinh mối quan hệ lao động.

Trước đó, trao đổi về việc lái xe công nghệ có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Duy Cường cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa đưa nhóm tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nội dung này ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.