1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháp cảnh báo châu Âu về sức mạnh tên lửa Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Pháp cho rằng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga đang gây nguy hiểm cho các nước châu Âu.

Pháp cảnh báo châu Âu về sức mạnh tên lửa Nga - 1

Tên lửa Iskander Nga rời bệ phóng (Ảnh: Sputnik).

"Nếu nói về Ukraine, sự an toàn của người châu Âu đang bị đe dọa vì nước này nằm cách biên giới của chúng ta chỉ khoảng 1.500km. Nếu Nga giành chiến thắng, chỉ mất một giây để Romania, Ba Lan, Lithuania hay đất nước chúng ta bị mất an ninh", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Tribune hôm 5/5.

Theo ông Macron, tính năng kỹ thuật và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga đang gây nguy hiểm cho các nước châu Âu.

"Sức mạnh và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta", ông Macron cảnh báo.

Thiếu tướng Vadym Skibitskyi, đại diện Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine hồi tháng 4 cho biết Nga hiện có "khoảng 950 tên lửa chiến thuật và chiến lược với tầm bắn hơn 350km". Ông Skibitskyi ước tính trung bình mỗi tháng Nga sản xuất vài chục tên lửa.

Trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Pháp vẫn khẳng định phải duy trì đối thoại với Nga.

"Chúng ta đang làm điều đúng đắn khi để ngỏ cánh cửa đàm phán với Nga. Nếu không, chúng ta sẽ từ bỏ trật tự quốc tế cũng như hòa bình và an ninh", ông Macron nói.

Tuy nhiên, ông Macron lưu ý rằng cần phải tiếp tục chính sách "mơ hồ chiến lược" liên quan đến Nga.

Vào cuối tháng 4, ông Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris rằng, châu Âu nên chuẩn bị xây dựng quan hệ với Nga sau khi xung đột Ukraine kết thúc.

Tổng thống Macron gây tranh cãi từ hồi tháng 2, sau khi tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và các nước này sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với Economist hôm 2/5, Tổng thống Pháp nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine: yêu cầu của Kiev và việc Nga đột phá trên tiền tuyến. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện nay không có yêu cầu nào như vậy từ Ukraine.

"Nếu Nga chọc thủng chiến tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, khi đó chúng tôi cần cân nhắc (đưa quân vào Ukraine)", Tổng thống Macron nói.

Theo ông Macron, những gì xảy ra trong hơn 2 năm chiến sự Nga - Ukraine cho thấy không nên loại trừ bất cứ phương án nào.

Quan điểm của ông Macron nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một số nước. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine.

Nga nhiều lần chỉ trích phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp là nguy hiểm, đồng thời cảnh báo nguy cơ một cuộc xung đột hạt nhân nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng 4 cảnh báo người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu rằng việc triển khai binh sĩ tới Ukraine sẽ gây ra "thảm họa đối với Pháp". Ông Shoigu cho rằng Pháp "sẽ tự tạo ra vấn đề cho chính mình" nếu quyết định gửi quân tới Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết vào tháng 2 rằng Pháp có thể gửi nhân sự rà phá bom mìn và các nhân sự không làm nhiệm vụ chiến đấu tới Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến kéo dài 2 năm với Nga. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Pháp không nêu thời điểm cụ thể của kế hoạch này.

Theo Tass