Bạn đọc viết:

Cần có cơ chế tự động khóa, hủy thẻ tín dụng sau một thời gian nhất định

PV

(Dân trí) - Sau vụ việc một người dân vay 8,5 triệu đồng để "quên", sau 11 năm số nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng thì nhiều người có liên quan đến tín dụng, ngân hàng bắt đầu tá hỏa, hốt hoảng.

Nhiều người đổ xô kiểm tra, xem lại các khoản vay tín dụng của mình, nhất là các khoản vay nhỏ hoặc các loại thẻ ATM, thẻ tín dụng (gọi tắt là thẻ)... bỏ quên lâu nay không sử dụng!

Trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng khi họ đi làm thẻ thì dễ dàng, thậm chí các nhân viên ngân hàng hướng dẫn rất kỹ càng, chu đáo, nhiệt tình hoặc họ tự làm và trao tận nhà cho người dân. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà họ đi hủy, khóa thẻ thì lại gặp vô vàn khó khăn, nhiêu khê, bất tiện, phải đi lại nhiều lần và phải đóng tiền mới được hủy thẻ!

Cần có cơ chế tự động khóa, hủy thẻ tín dụng sau một thời gian nhất định - 1

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng lại có thêm nguồn thu lớn từ việc tính lãi suất lũy tiến đối với các trường hợp "quên" thẻ như vụ việc ở Hải Phòng. Vụ việc này đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về cách tính tiền lãi, tuy nhiên để lên đến hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm thì lãi lũy tiến có thể lên tới hơn 1.033%. 

Có thể nói, với bất cứ lý do gì vô tình hay cố ý thì việc gây khó khăn cho người dân trong việc khóa, hủy thẻ đều là vô lý, không thể chấp nhận được. Bởi khi làm thẻ thì thủ tục đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng nhưng tại sao khi khóa, hủy lại khó khăn, kéo dài?

Nếu vì thủ tục thì đều do con người, tổ chức tín dụng tạo ra cả, sao thậm chí có người chán nản, bỏ cuộc! Đây là điều quá vô lý, cần có sự vào cuộc xác minh, xử lý của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân trước một số cá nhân, tổ chức tín dụng cho vay nhiều mưu mô, lắm chiêu trò!

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này thì chắc ai cũng biết - đó là các ngân hàng muốn mở, duy trì càng nhiều tài khoản, càng nhiều thẻ càng tốt. Khi đó, họ sẽ có thêm nguồn thu, lợi nhuận lớn từ việc khách hàng sử dụng thẻ như phí duy trì, phí sử dụng thẻ, phí thường niên... Đặc biệt khi đó ngân hàng sẽ đương nhiên có được nguồn tiền khá lớn do khách hàng có số dư, duy trì một số tiền nhất định trong thẻ.

Như vậy, các ngân hàng vừa có nguồn tín dụng để cho vay thu lợi nhuận, vừa đảm bảo dư địa, đảm bảo hạn mức cho vay không vượt quá quy định pháp luật từ đó ổn định của hệ thống ngân hàng của họ.

Từ thực trạng việc chậm khóa, hủy thẻ gây khó khăn, thiệt hại cho khách hàng nhưng một số tổ chức tín dụng liên quan lại chưa vào cuộc quyết liệt, rốt ráo để giải quyết dứt điểm. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải ra tay, vào cuộc để chấm dứt tình trạng bất hợp lý này để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng thẻ tín dụng, các khoản vay.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy trình xử lý về khóa, hủy thẻ rõ ràng cụ thể, công khai, minh bạch giúp người dân thuận tiện trong việc hủy, khóa thẻ khi không có nhu cầu sử dụng nữa. Bên cạnh đó, cần có quy định buộc các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ thẻ sau thời hạn nhất định mà không giao dịch, kích hoạt, sử dụng thẻ nữa, có thể là sau 1 năm các tổ chức tín dụng phải thực hiện thủ tục này.

Ngoài ra, trường hợp khách hàng bỏ "quên" thẻ quá lâu hoặc quá thời hạn nhất định thì có thể dùng biện pháp khoanh nợ, hoãn nợ để xử lý. Đặc biệt rất cần thiết phải quy định cơ chế tự động khóa thẻ tín dụng, ATM tương tự như trường hợp không đóng phí thuê bao điện thoại, không trả tiền điện, nước... đang được các tổ chức, doanh nghiệp liên quan áp dụng hiện nay. Đồng thời, xác minh, làm rõ các tổ chức tín dụng cố tình tính phí sai, tính lãi trái quy định pháp luật chẳng khác nào tín dụng đen để xử lý nghiêm minh nhằm chấn chỉnh, phòng ngừa, răn đe về sau.

Tuyệt đối không nên vì lý do bất hợp lý mà đẩy khách hàng đến mức đường cùng, với khoản nợ khổng lồ, vô lý chỉ vì họ quên trả tiền vay hoặc không sử dụng thẻ, không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Đặc biệt là phải chấm dứt tình trạng ngân hàng âm thầm tính phí, móc túi người dùng khi chủ thẻ không còn sử dụng hoặc bỏ quên trong thời gian dài và cách tính lũy tiến bất hợp lý đẩy người dân vào cảnh nợ nần, bần cùng không đáng có.

      Luật gia Phạm Văn Chung