Lối thoát nào cho điểm đen ùn tắc nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo

PV

(Dân trí) - Độc giả chỉ ra ngoài vấn đề thi công, cốt lõi của nạn tắc đường ở nút giao này là sự phát triển nhanh của các đô thị vệ tinh. Từ đó, cơ quan quản lý nên thay đổi phương án điều tiết giao thông tại đây

Sáng thứ hai (18/3), chị Hà (37 tuổi, ở xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) kẹt cứng trên Đại lộ Thăng Long, đoạn giao cắt với đường Lê Quang Đạo. Một ngày sau, tình cảnh này tái hiện. Giữa trời mưa tầm tã, người phụ nữ phải ngày thứ 2 liên tiếp ngán ngẩm rút chiếc điện thoại trong túi để nhắn tin xin phép trưởng phòng cho đến muộn.

Có lộ trình tương tự từ Hoài Đức vào trung tâm Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hùng ngán ngẩm kể lại cảnh 2 ngày liên tiếp chôn chân trên Đại lộ Thăng Long: "Sáng 18/3, vì tắc đường mà bố đi làm muộn, con đến lớp khi các bạn đã học được nửa buổi. Hôm nay, tôi xin nghỉ luôn vì có thoát được tắc đến lớp cũng đã 10h. Tình hình này, chiều về lại tắc nữa nên hai bố con ở nhà cho đỡ mệt mỏi".

Trên đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp người dân phải vật lộn với tắc đường khi lưu thông trên tuyến Đại lộ Thăng Long mỗi sáng. Theo tìm hiểu của Dân trí, tình trạng trên xuất phát từ việc nút giao Địa lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo đang có công nhân thi công dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài, nối quận Nam Từ Liêm với quận Hà Đông, dựng rào chắn để thi công dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng.

Lối thoát nào cho điểm đen ùn tắc nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - 1

Người dân chôn chân đứng trước đoạn ngã tư tắc cứng ở Đại lộ Thăng Long (Ảnh: Hồng Hạnh).

"Điểm đen" tắc đường tại nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo

Dưới bài đăng của Dân trí, nhiều độc giả bày tỏ sự ngán ngẩm trước tình cảnh ùn tắc trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long. Cũng trải qua tình cảnh giống anh Hùng và chị Hà, độc giả Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: "Sáng sớm, đi từ 7h10 mà 8h40 mới đến được công ty ở Láng Hạ. Cứ xây lắm chung cư, giữ toàn bộ bệnh viện, trường học ở trung tâm thì làm sao dãn dân ra được. Đề xuất chuyển các trường đại học ra khỏi trung tâm Hà Nội đã có cách đây 20 năm, tại sao chưa làm được?".

"Đặt đèn ở nút này rất bất hợp lý, lối đi từ Lê Quang Đạo ra đường gom Đại lộ Thăng Long, đèn xanh 25 giây, đèn đỏ 87 giây. Buổi sáng đi làm một lượng lớn xe đi từ Lê Quang Đạo vào nội đô làm việc, không tắc mới là lạ. Chả hiểu các ông nghiên cứu kiểu gì", chủ tài khoản Quang Tùng SKV bức xúc nêu ra những bất cập tại khu vực trên.

"Phương án tổ chức thi công tại nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo là bất hợp lý, không đảm bảo giao thông, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng", độc giả To Thai bình luận. Phía dưới, người dùng Cam Nguyen tiếp lời: "Ngay điểm giao giữa đường Mễ Trì với Lê Quang Đạo, trước để vòng xuyến cũng tắc kinh hoàng. Giờ thay đổi lại điểm quay đầu để đi ra đường gom Đại lộ Thăng Long với Bệnh viện Hồng Ngọc vẫn xảy ra xung đột giao thông, nhiều hôm tắc cứng tại đây.

9 năm nay ngày nào cũng 6h lên đường, chưa bị tắc ở cung đường này bao giờ, nhưng chiều về thì ối dồi ôi. Đoạn ngã tư chỗ tòa nhà Keangnam, rồi trước là vòng xuyến giữa đường Mễ Trì với Lê Quang Đạo, hôm nào trời mưa nữa thì cứ xác định luôn".

Với độc giả Tien Nguyen, tình cảnh hiện tại làm anh liên tưởng tới trường hợp của trục đường Lê Văn Lương hiện nay: "Rồi Đại lộ Thăng Long lại như Lê Văn Lương kéo dài mà thôi. Nhớ năm 2007 - 2008, Lê Văn Lương vắng không mấy người đi, giờ thì tắc đường khỏi nói. Quan trọng nhất là quy hoạch hợp lý, chứ chung cư cứ mọc lên ầm ầm trên mặt đường đại lộ thì đường nào đỡ được".

Đó cũng là quan điểm của chủ tài khoản Khuê Dương Dương, khi người này chỉ ra rằng "triệu chứng" của "bệnh tắc đường" là bởi làm đường, nhưng gốc rễ của vấn đề là bùng nổ dân số bởi sự xuất hiện của một số khu đô thị. "Cứ duyệt quy hoạch, chủ đầu tư bỏ đẫy tiền vào túi, chuyện cơ sở hạ tầng không cần quan tâm, ùn tắc là lẽ dĩ ngẫu", người này bình luận.

Tương tự, người dùng Nguyễn Nguyên cũng chỉ ra nguyên nhân là sự xuất hiện của các thành phố vệ tinh. Từ đó, độc giả này đề xuất giải pháp về việc yêu cầu cư dân tại các thành phố vệ tinh phải di chuyển vào nội đô bằng phương tiện công cộng (xe bus, tàu điện), bởi nếu hàng vạn người cùng lúc đi bằng phương tiện cá nhân thì tắc đường sẽ mãi là vấn đề muôn thủa.

"Từ lâu ai cũng biết xây nhiều nhà cao tầng là nguyên nhân chính của tắc đường. Chỗ nào càng tắc thì càng được cấp phép xây nhiều nhà cao tầng, chắc chờ khi nào dân chán không ở đó được nữa thì mới hết tắc đường. Xây dựng, cấp phép, di dân đến ở, những vấn đề muôn thủa nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm", ý kiến từ độc giả Binh Nguyen Van.

Lối thoát nào cho điểm đen ùn tắc nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - 2

Nguyên nhân dẫn đến khung cảnh ùn tắc kéo dài là do rào chắn thi công trên đường gom đại lộ Thăng Long (hướng Hòa Lạc về Hà Nội). Rào chắn có chiều dài 200m, bề rộng rào chắn 7m, phạm vi rào chắn nằm trên làn xe máy, phần đường còn lại cho phương tiện đi qua là 10,5m.

Giải pháp nào để đối mặt với nạn tắc đường?

Từ những bất cập trên, nhiều độc giả đã "hiến kế" để cơ quan chức năng giải quyết nạn tắc đường, trong đó đơn giản nhất là việc thay đổi thời gian thi công. "Lượng dân đi lại trên tuyến rất cao, sao nhà thầu không thi công vào thứ 7, chủ nhật và ban đêm để giảm tải tắc đường, khiến bao người đi làm muộn còn học sinh đến trường không đúng giờ?", độc giả Dinh Hai đặt câu hỏi.

Tương tự, anh Nguyen Trong Thuy viết: "Ngày nào cũng đi qua đường này, ngày nghỉ vẫn tắc thì thực sự không ổn. Không hiểu nhà thầu đề xuất và ban quản lý duyệt phương án như nào mà chắn ½ đường, đúng đoạn ngã 3 Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long tạo ra nút thắt gây ách tắc giao thông. Mặt bằng phía trong thì rộng, thi công kết nối cùng lắm chỉ cần rào lấn ra đường 2 m là được.

Nếu không, cần tính đến phương án thi công đêm, sáng hoàn trả mặt đường phục vụ giao thông như các công trình vẫn làm trong nội đô. Ban quản lý dự án và nhà thầu suy nghĩ đơn giản quá, ảnh hưởng tới bao nhiêu con người".

Với độc giả Nguyễn Huy, anh gợi ý về việc bịt lối đi tại khu vực nút giao Đại lộ Thăng Long đi qua Lê Đức Thọ. Thay vào đó, xe từ khu đô thị Smart City lên thì đi ngược Lê Quang Đạo qua vòng xuyến rồi thoát ra, còn xe đi từ cầu vượt Mễ Trì xuống muốn đi vào Đại lộ Thăng Long thì đi thẳng rồi quay đầu lại.

"Chủ đầu tư và Ban quản lý không có phương án khi thi công trong khi đoạn đường này mật độ giao thông rất đông. Đáng lẽ phải có phương án để không làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện. Hiện điểm này có 2 tín hiệu đèn giao thông sát nhau, nên rất khó để tránh ùn tắc. Cơ quan chức năng nên điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông hợp lý hơn", độc giả Trung Thành đề xuất về việc thay đổi hoạt động của các tín hiệu đèn giao thông nhằm giải quyết tình hình.

Hoàng Linh (tổng hợp)