Đằng sau khoảnh khắc "em bé tượng đài" dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt

Minh Nhân

(Dân trí) - Khoảnh khắc "3 chiến sĩ Điện Biên" và "em bé tượng đài" nổi bật giữa cơn mưa lớn trong giây phút lịch sử đã khiến bao người xem xúc động và tự hào.

"Em bé tượng đài" dưới mưa gây sốt mạng

Sáng 7/5, mở đầu buổi lễ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn xếp hình nghệ thuật chủ đề Bản hùng ca Điện Biên, do các nghệ sĩ, chiến sĩ Đoàn nghi lễ quân đội biểu diễn.

Màn biểu diễn lấy cảm hứng từ tượng đài chiến thắng đặt trong cụm di tích đồi D ở trung tâm TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). 

Tượng đài mô phỏng được thực hiện theo kỹ thuật "chồng ghép" người để tạo độ cao làm nổi bật biểu tượng nhân vật.

Ngoài 3 học viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đảm nhận vai chiến sĩ, bé gái trong trang phục dân tộc Thái giơ cao hai tay vẫy cờ hoa cũng trở nên nổi bật dưới cơn mưa lớn. 

Đằng sau khoảnh khắc em bé tượng đài dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt - 1

Khoảnh khắc "3 chiến sĩ Điện Biên" và "em bé tượng đài" nổi bật giữa cơn mưa lớn (Ảnh: Mạnh Quân).

Khoảnh khắc "em bé tượng đài" dưới mưa được lan tỏa mạnh mẽ đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. 

"Cơn mưa dường như tô điểm thêm cho buổi lễ. Chiến sĩ, bộ đội anh hùng là bệ phóng cho thế hệ sau. Em bé là tương lai của đất nước. Mưa chẳng thể cản được ý chí quật cường. Quá đẹp và ý nghĩa cho ngày 7/5 lịch sử", độc giả Thanh Hương bình luận. 

Màn trình diễn "để đời" của người chiến sĩ

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, "em bé tượng đài" là bé Trần Vy Trâm, 4 tuổi, sống tại phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ). Bé Trâm là diễn viên nhỏ tuổi nhất trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ bế bé Trâm trên vai là thiếu tá Nguyễn Công Long (35 tuổi); chiến sĩ phất cao lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" là thượng sĩ Nguyễn Hoài Linh (24 tuổi). Chiến sĩ nắm chắc tay súng là thượng sĩ Dương Nguyễn Hữu Toàn (24 tuổi).  Cả ba hiện là học viên tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

Đằng sau khoảnh khắc em bé tượng đài dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt - 2

Theo thứ tự từ trái qua phải: thượng sĩ Nguyễn Hoài Linh, bé Vy Trâm, thiếu tá Nguyễn Công Long và thượng sĩ Dương Nguyễn Hữu Toàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thượng sĩ Nguyễn Hoài Linh nói đây là tiết mục biểu diễn để đời của anh, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được hóa thân thành người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

"Hơn một tháng tại Điện Biên, tôi được sống trong những phút giây hào hùng của lịch sử", Hoài Linh nói.

Chàng trai quê Cà Mau cho biết trong quá trình tập luyện, anh và 2 đồng chí còn lại may mắn được Đại tá, NSND, TS Nguyễn Thị Thu Hà (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) chọn ngẫu nhiên để đảm nhận vai các chiến sĩ Điện Biên. 

"Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tập luyện diễu hành xe Nghi trượng, sau được hữu duyên cho tiết mục mở màn mô phỏng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trong màn xếp hình nghệ thuật", Hoài Linh nói. 

Thiếu tá Nguyễn Công Long cho biết may mắn và có duyên với mảnh đất Điện Biên khi được đề xuất vai trò huấn luyện tập diễu binh, diễu hành Khối xe, Nghi trượng phục vụ chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong quá trình tập luyện, anh Long được NSND Thu Hà tin tưởng giao nhiệm vụ cùng 2 đồng chí và bé Vy Trâm thể hiện tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. "Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ này", anh Long nói.

Nhớ lại khoảnh khắc của buổi lễ kỷ niệm, anh tâm sự vẫn còn rưng rưng nước mắt vì có quá nhiều cảm xúc, trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ của anh. 

"Đặc biệt trong thời gian tập luyện mình được làm việc cùng chiến sĩ nhỏ tuổi nhất là bé Vy Trâm. Cháu mới 4 tuổi nhưng rất giỏi và chịu khó tập luyện, phối hợp với các chú để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thời gian 2 chú cháu ở gần nhau không nhiều nhưng tôi rất yêu quý và dành tình cảm khá nhiều cho bé Trâm", thiếu tá Nguyễn Công Long nói.

Đại tá Thu Hà cho biết "ba nhân vật chiến sĩ lựa chọn trong tầm tay", chỉ có hình tượng bé gái "mới phải tìm cho phù hợp".

Theo chị Vương Ý Nhi (31 tuổi, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), việc con gái trở thành "em bé tượng đài" là hữu duyên khi bé Trâm "lọt vào mắt xanh" của Đại tá Thu Hà.

Trước đó, chiều 25/4, bé gái được ông nội đưa tới sân vận động thành phố xem các chiến sĩ luyện tập, phục vụ cho buổi lễ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngoài bé Trâm, trên sân vận động còn khá nhiều em bé khác. Đại tá Thu Hà đã tìm được 4 - 5 bé có thể phù hợp để thử vai "em bé tượng đài". Động tác chủ yếu của bé là giơ hai tay chào, với một bó hoa và lá cờ cầm theo.

Tuy nhiên, khi được chiến sĩ bế lên vai, các bé đều khóc vì sợ độ cao, không chịu hợp tác.

Đằng sau khoảnh khắc em bé tượng đài dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt - 3

Bé Vy Trâm và ông nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến lượt Vy Trâm, cô bé hoạt bát và nhanh nhẹn, gương mặt sáng, hai tay giơ cao vẫy cờ hoa. NSND Thu Hà đã nói chuyện với gia đình, ngỏ ý mời bé Trâm thử vai.

Chị Nhi hỏi: "Con có đồng ý tham gia không?", bé gái gật đầu, luyện tập cùng các chiến sĩ ngay chiều hôm đó.

Kể từ đó, 5h30 mỗi sáng, có lúc sớm hơn, bé gái mặc trang phục truyền thống của dân tộc Thái, tham gia luyện tập tại sân vận động.

"Gia đình rất vinh dự và tự hào khi con gái được là một phần của buổi lễ hào hùng", chị Nhi nói.

Hơn 10 ngày bé Trâm luyện tập cùng các chiến sĩ, đi từ những ngày nắng nóng đổ lửa, đến cơn mưa nặng hạt vào ngày chính lễ, người mẹ cho hay đã rất lo lắng sức khỏe của con.

"May mắn con khỏe mạnh, mọi thứ diễn ra tốt đẹp", chị Nhi tâm sự, nói gia đình sẽ giữ liên lạc với 3 chiến sĩ biểu diễn cùng con.

Thượng sĩ Hoài Linh cho biết điều các anh lo lắng nhất chính là sức khỏe của bé Trâm. Trong cơn mưa nặng hạt, anh và 2 chiến sĩ cố che mưa cho "em bé tượng đài". Họ cũng cẩn trọng hơn trong từng bước chân, sợ mặt cỏ trơn, nếu ngã sẽ ảnh hưởng em bé.

"Chúng tôi và bé Trâm đều cảm thấy tự hào vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Hoài Linh chia sẻ. 

Đằng sau khoảnh khắc em bé tượng đài dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt - 4

3 chiến sĩ, em bé tượng đài và Đại tá Thu Hà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Mong giữ cuộc sống của con không bị xáo trộn"

Sau khi hoàn thành màn biểu diễn, bé Trâm được ông nội nhanh chóng đưa về nhà thay quần áo, tránh bị ốm do ngấm nước mưa. Sức khỏe bé ổn định, chơi bình thường.

Về đến nhà, bé vui vẻ và tràn đầy năng lượng, không quên hỏi mẹ: "Mẹ xem con trên ti vi thấy con cười xinh không?". 

Động viên con gái, chị Nhi trả lời: "Mẹ thấy rồi, con cười tươi, cười xinh rồi, hôm nay còn làm rất tốt".

Hai ngày sau buổi lễ, bé Trâm quay lại với cuộc sống như trước khi là "em bé tượng đài". Dư âm hào hùng của ngày kỷ niệm lịch sử vẫn còn đọng lại với bé và gia đình. Nhiều người thân gọi điện hỏi thăm, nhưng chị Nhi chưa kịp trả lời.

Người mẹ cho hay con gái được nhiều người quan tâm, song cố giữ cuộc sống của con không bị xáo trộn.

"Việc nổi tiếng trên mạng xã hội luôn có hai mặt, tôi vừa mừng vừa lo, nhưng sẽ không để ảnh hưởng tuổi thơ của con. Tôi mong con có cuộc sống hồn nhiên đúng với lứa tuổi", chị Nhi nói.

Đằng sau khoảnh khắc em bé tượng đài dưới mưa ở Điện Biên Phủ gây sốt - 5

Phút giây giải lao của "em bé tượng đài" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Người mẹ tiết lộ đã đặt may riêng bộ váy "cóm" - trang phục truyền thống của người Thái.

Chiếc áo màu đỏ đính những khuy bạc, chân váy nhung đen điểm thêm chuỗi xà tích bạc. Trang phục được biến tấu may liền, không hở bụng, để bé dễ mặc và dễ biểu diễn. 

Khoác trên người bộ váy "cóm", thêm điểm nhấn là chiếc khăn Piêu đội đầu, bé Trâm được nhận xét hóa thân hoàn hảo vào nhân vật "em bé tượng đài" với nụ cười luôn nở trên môi.

"Con rất hào hứng, luôn hợp tác khi được tập luyện với các chiến sĩ, không kêu than hay tỏ ra mệt mỏi", mẹ em bé nói.

Hôm nào được nghỉ không tới sân vận động, Trâm lại hỏi mẹ bao giờ tiếp tục. Điều này đúng với tính cách của bé - một cô bé hướng ngoại, thích vận động và luôn tràn đầy năng lượng.

Chị Nhi mong rằng hình ảnh em bé tượng đài sẽ là động lực để con gái lớn lên cố gắng và phấn đấu.