Vụ nữ giúp việc được bà chủ để lại hơn 68 tỷ đồng: Vì sao chưa được nhận?

Tuệ Minh

(Dân trí) - Nữ giúp việc người Thái Lan được bà chủ nhắn tin để lại khối tài sản lớn bao gồm nhà, đất, ô tô, đồ trang sức trước khi qua đời. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra về vụ việc.

Nhắn tin cho giúp việc để lại tài sản trước khi qua đời

Ngày 28/4, bà Catherine Delacot (59 tuổi, người Pháp sống ở Thái Lan) đã được phát hiện tử vong cạnh bể bơi trong biệt thự của người này ở Koh Samui.

Sau khi sự việc được phát hiện, bà Natthawalai - nữ giúp việc của bà Catherine đã cho cảnh sát xem một đoạn tin nhắn. Trong đó, có đoạn ghi bà chủ nói sẽ để lại cho Natthawalai khối tài sản trị giá khoảng 100 triệu baht (hơn 68 tỷ đồng) sau khi qua đời.

Vụ nữ giúp việc được bà chủ để lại hơn 68 tỷ đồng: Vì sao chưa được nhận? - 1

Nữ giúp việc đã làm việc 17 năm với bà chủ người Pháp (Ảnh: Bangkok).

Theo lời khai của nữ giúp việc, người phụ nữ quá cố nói sẽ giao lại cho bà biệt thự và mảnh đất rộng 0,32ha, một ô tô hạng sang, một số đồ trang sức trong két sắt, tiền mặt ở ngân hàng.

Ngoài ra, trong tin nhắn, bà Catherine còn đề nghị nữ giúp việc chăm sóc 3 con mèo và để lại cho Natthawalai 2 căn biệt thự đang cho thuê khác trên đảo Koh Samui.

Cho đến nay, cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra xem cái chết của bà Catherine Delacot là tự tử hay bị sát hại. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đang nghiêng về khả năng người phụ nữ quốc tịch Pháp tự tử. Họ nghi ngờ người này tự sát sau khi biết tin mắc bệnh ung thư.

Tại hiện trường vụ việc, cảnh sát tìm thấy một khẩu súng. Nạn nhân có vết thương ở thái dương. Đoạn video trích xuất từ camera an ninh cho thấy, nạn nhân đã đẩy camera hướng ra vị trí khác. Có lẽ bà không muốn camera ghi lại cái chết đau đớn của mình.

Trước khi tự tử, người phụ nữ đến từ Pháp ngồi gõ máy tính sau đó quàng khăn, khoác áo choàng bên ngoài bộ bikini, nằm trên ghế cạnh bể bơi và cầm súng để tự tử.

Nữ giúp việc cho biết thêm, bà đã làm giúp việc cho nạn nhân khoảng 17 năm sau khi được một người phụ nữ Pháp khác giới thiệu. Người phụ nữ vừa qua đời và chồng cũ tới Thái Lan cách đây 12 năm để kinh doanh cho thuê nhà nhưng hiện tại họ đã ly hôn.

Ban đầu, bà Catherine Delacot chỉ cho thuê phòng ở trên đảo Koh Samui. Trong những năm gần đây, bà mở rộng sang hình thức cho thuê biệt thự đắt tiền.

Vào thời điểm xảy ra sự việc, nữ giúp việc không có mặt ở biệt thự. Bà nhận được tin báo từ người dọn dẹp bể bơi. Khẩu súng mà nạn nhân dùng tự tử được mua cách đây không lâu nhằm đề phòng trộm đột nhập vào biệt thự.

Sau khi nhận được tin báo, các bác sĩ đã có mặt ở biệt thự. Thời điểm đó, nạn nhân vẫn còn thở, nhân viên y tế cố gắng hô hấp nhân tạo nhưng không có kết quả. Bà Catherine Delacot được tuyên bố đã chết ở hiện trường.

Theo nữ giúp việc, trước khi qua đời, Catherine Delacot đã chuyển khoản tiền lương, thanh toán hóa đơn Internet, hóa đơn tiền điện nước và gửi một khoản tiền để tổ chức tang lễ.

"Tôi muốn bà ấy sống ở đây, không muốn điều đau lòng này xảy ra. Tôi nhận được rất nhiều từ bà chủ. Tôi đau lòng và nhớ bà ấy rất nhiều. Bà ấy giống như một người mẹ, chăm sóc tôi những năm qua", nữ giúp việc trải lòng.

Cảnh sát tiếp tục điều tra

Phía cảnh sát thông tin, căn biệt thự nơi nạn nhân tử vong được xây dựng hợp pháp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa điều tra cụ thể về số cổ phần của công ty GVNE sở hữu căn biệt thự cũng như các cổ đông sở hữu cổ phần ở đây. 

Vụ nữ giúp việc được bà chủ để lại hơn 68 tỷ đồng: Vì sao chưa được nhận? - 2

Căn biệt thự nơi xảy ra sự việc (Ảnh: Koh Samui).

GVNE có 3 cổ đông, bà Catherine Delacote có 49% cổ phần, số cổ phần còn lại do 2 người nắm giữ. Trong đó, có một người đàn ông quốc tịch Thái Lan sống ở Ubon Ratchathani có 35% cổ phần và một người phụ nữ Thái Lan sống ở Nakhon Si Thammarat sở hữu 16% cổ phần.

Công ty được thành lập tháng 4/2012 để điều hành dịch vụ cho thuê địa điểm lưu trú cho khách du lịch. Người phụ nữ đã qua đời là giám đốc công ty.

Luật sư quản lý tài sản của bà Catherine Delacote bày tỏ không hài lòng khi thông tin về vụ việc được đăng tải quá sớm trên báo chí. Ngoài ra, nữ giúp việc được các luật sư yêu cầu không cung cấp thông tin thêm cho phóng viên.

Quy định của pháp luật Thái Lan yêu cầu di chúc phải có chữ ký cùng 2 người chứng kiến mới là văn bản có hiệu lực. Di chúc viết tay cũng có thể được xem xét là hợp pháp song phải xác định tình trạng sức khỏe tâm thần của người lập tại thời điểm viết. 

Cho nên, tin nhắn trên điện thoại của bà Catherine Delacote gửi cho nữ giúp việc không có hiệu lực theo quy định di chúc của Thái Lan.

Hiện, thi thể của nạn nhân đã được đưa vào đất liền để tiến hành khám nghiệm tử thi.