DNews

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD

Phương Liên

(Dân trí) - Không có khả năng tạo ra sản phẩm tốt như Steve Jobs nhưng Tim Cook đã xây dựng "một pháo đài" cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ với những thiết bị và dịch vụ tiện ích quanh iPhone.

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD

Tháng 1/2012, khi vẫn còn là Phó tổng thống Mỹ, ông Joe Biden từng hỏi Tim Cook - CEO Apple - rằng tại sao hãng không thể sản xuất điện thoại iPhone ngay tại Mỹ?

Ông Biden hỏi Tim Cook trong một bữa tối có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, quản lý cấp cao các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ như CEO của Netflix, Chủ tịch điều hành Google hay Giám đốc hoạt động Facebook.

Những người tham gia bữa tối hôm đó đều hiểu rằng ý tưởng sản xuất iPhone hoặc bất kỳ sản phẩm điện tử tại Mỹ là một nhiệm vụ quá khó. 

Tài ngoại giao của Tim Cook

Các hãng sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng, đặc biệt nhóm các doanh nghiệp đối tác của Apple tại châu Á, đã xây dựng nhiều nhà máy quy mô lớn với hàng trăm nghìn lao động. Người lao động tại Trung Quốc chấp nhận làm việc trong nhiều giờ mà chỉ nhận mức lương bằng một phần so với lao động tại Mỹ.

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp công nghệ khác tại thung lũng Silicon và cũng là người chứng kiến cuộc trao đổi giữa Tim Cook và Biden thậm chí từng khẳng định rằng ông thấy Cook không có khả năng làm được điều đó.

Câu hỏi của ông Biden đã khiến cho Tim Cook bối rối. Thế nhưng, Cook cũng được biết đến như một người rất giỏi giao tiếp và ông được đánh giá có khả năng ngoại giao tốt hơn nhiều so với Steve Jobs.

Ông Obama từng hỏi Steve Jobs câu tương tự và nhận câu trả lời cụt ngủn, được đăng tải trên New York Times rằng: "Những công việc của Apple sẽ không trở lại".

Trong khi đó, Tim Cook phản ứng mềm mỏng hơn. Ngay sau đó, Tim Cook thông báo động thái mới rằng Apple sẽ bắt đầu sản xuất một số máy tính Mac tại Mỹ. Nhưng kể từ đó, sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn.

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD - 1

Tim Cook và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm một nhà máy sản xuất của Apple ở Mỹ năm 2019 (Ảnh: Business Insider).

Apple cũng phát triển tốt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đạt mức 1.000 tỷ USD. Và chỉ 2 năm sau đó, giá trị vốn hóa của Apple vượt 2.000 tỷ USD.

Không ai có thể phủ nhận công lao của Tim Cook, kể cả nhân viên đang làm việc hoặc đã nghỉ tại Apple hay nhà điều hành tại các doanh nghiệp đối thủ cũng như các chính trị gia Mỹ. Apple cũng ngày càng kiếm được nhiều tiền từ iPhone.

Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã khen ngợi ông về kỹ năng và bản năng ngoại giao. Tỷ phú Warren Buffett, người rất hiểu Tim Cook và cũng đang giữ vị trí cổ đông lớn tại Apple, từng nhận xét rằng: "Tim Cook có thể không có khả năng thiết kế ra được sản phẩm tốt như Steve, nhưng ông ấy hiểu thế giới đến độ mà trong 60 năm qua tôi từng gặp rất ít người như vậy".

"Bậc thầy" logistics

Thành công của Apple thường được cho là thành quả từ Steve Jobs, người đã làm cách mạng với sản phẩm máy tính và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu là một nhà quản trị doanh nghiệp, người ta không thể không dành cho Tim Cook sự nể phục bởi chiến lược quản lý chuỗi cung ứng và xử lý hàng tồn kho. Chính điều này đã giúp Apple có thể sản xuất máy nghe nhạc iPod, iPhone và iPad với số lượng cực lớn với chi phí tối ưu nhất.

Tim Cook chính thức đầu quân cho Apple vào năm 1998 với vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động trên toàn cầu.

"Đầu năm 1998, tôi đã lắng nghe trực giác của mình. Không quá 5 phút sau cuộc phỏng vấn đầu tiên với Steve Jobs, tôi đã quyết định gia nhập Apple. Trực giác của tôi cho rằng gia nhập Apple là cơ hội duy nhất để làm việc trong môi trường sáng tạo hàng đầu. Đồng thời, tôi sẽ có mặt trong đội ngũ điều hành làm nên một công ty vĩ đại của Mỹ", Tim Cook từng chia sẻ.

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD - 2

Tim Cook và Steve Jobs năm 2007 (Ảnh: Getty Images).

Tim Cook bắt đầu gia nhập Apple sau nhiều năm làm việc tại các tập đoàn công nghệ như IBM hay Compaq. Ông làm việc 18 tiếng mỗi ngày. Khi không làm việc, ông dành nhiều thời gian trong phòng tập gym.

"Tim Cook thực sự là một người của công việc. Ông chăm chỉ, chăm chỉ, chăm chỉ và chăm chỉ. Tuy nhiên, tôi thấy Tim Cook khá tẻ nhạt", một cựu nhân viên của Apple từng làm việc cùng Tim Cook từ những ngày đầu cho biết.

Các chuyên gia cho rằng việc Apple vẫn tiếp tục phát triển sau thời kỳ của Steve Jobs có thể đến từ chất lượng của các sản phẩm, khởi đầu với máy tính iMac.

Thế nhưng, yếu tố quan trọng không kém làm nên thành công của Apple như hiện tại chính là khả năng của Cook trong việc sản xuất các sản phẩm máy tính, tai nghe iPod, điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad với số lượng lớn.

Ông đã áp dụng chiến lược tương tự như HP, Compaq hay Dell. Steve Jobs từng không thích cách làm này, tuy nhiên nó lại phù hợp trong kỷ nguyên thuê gia công và sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng.

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD - 3

CEO Tim Cook bên cạnh loạt MacBook trưng bày tại trụ sở hãng (Ảnh: Apple).

Chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple mà Tim Cook xây dựng có nhiều khác biệt đáng kể so với Dell và Compaq. Các thương hiệu máy tính cá nhân lớn của thế giới thuê ngoài cả khâu sản xuất và thiết kế. Điều này khiến sản phẩm máy tính họ sản xuất ra có giá rẻ nhưng không có gì khác biệt nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường.

Thời gian đầu làm việc cho Apple, Tim Cook nhanh chóng nhận ra chuỗi cung ứng, hàng tồn kho của công ty đang gặp vấn đề và thực hiện các bước cần thiết để tối ưu. Ngay trong năm đầu tiên Tim Cook làm việc, Apple đã chi 100 triệu USD để đặt chỗ trước các chuyến bay vận tải xuyên suốt dịp lễ. Động thái này nhằm chuẩn bị cho việc mở bán mẫu iMac G3 trên toàn cầu mà không lo các vấn đề vận chuyển quá tải vào dịp mua sắm cao điểm.

Quyết định của Tim Cook đã được đền đáp xứng đáng khi iMac G3 trở thành sản phẩm thành công vang dội. Những đối thủ của Apple phải đối mặt với tình trạng không thể tìm được đơn vị vận chuyển hàng hóa trong mùa bán hàng sôi động nhất năm.

Những nước đi cao tay hơn đối thủ

Không chỉ vậy, Tim Cook đã cắt giảm số lượng nhà cung cấp từ 100 xuống chỉ còn 24. Điều này ép các công ty còn lại phải tranh giành lẫn nhau nếu muốn giành được đơn hàng từ Apple.

Theo Bloomberg, năm 1996, Apple đã bán một nhà máy sản xuất lớn ở Colorado (Mỹ). Đồng thời, Tim Cook cũng cho dừng hoạt động sản xuất ở Ireland, đóng cửa nhà máy duy nhất còn sót lại tại Elk Grove, California (Mỹ). Thời điểm này cũng đánh dấu cột mốc Apple đẩy mạnh việc thuê ngoài sản xuất tại Trung Quốc.

Foxconn được xem là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple. Các công nhân ở Trung Quốc thường sẵn sàng làm việc nhiều giờ hơn với mức lương chỉ bằng một phần lương tối thiểu ở Mỹ.

Tim Cook luôn yêu cầu Foxconn và những đối tác sản xuất tuân theo các yêu cầu về tính thẩm mỹ. Những kỹ sư của Apple tạo ra thiết bị sản xuất chuyên dụng phải thường xuyên đến Trung Quốc để kiểm tra, đánh giá và cải tiến phần cứng cũng như dây chuyền sản xuất.

Cách Tim Cook biến Apple thành đế chế 2.700 tỷ USD - 4

Tim Cook, CEO của Apple (Ảnh: Getty Images).

CEO Apple còn có những nước đi cao tay hơn đối thủ bằng cách mua các linh kiện mới trước nhiều năm và thực hiện các giao dịch độc quyền đối với nhiều linh kiện quan trọng nhằm đảm bảo Apple luôn đi đầu.

Táo khuyết còn được biết đến với chính sách ký các hợp đồng dài hạn đối với một số nhà cung cấp chính. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẵn sàng chi khoảng tiền lớn để đặt cọc trước nhằm thương lượng được chi phí thấp và số lượng dự trữ lớn nhất có thể. Cách làm này mang đến nhiều giá trị bền vững cho Apple, đồng thời giảm thiểu rủi ro, hạn chế đối thủ có thể mở rộng khả năng sản xuất hàng loạt.

Theo tờ The New York Time, iPhone được xem là sản phẩm bán chạy nhất và mang đến lợi nhuận cao nhất cho Apple. Hãng chọn mua nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp trên toàn cầu. Sau đó, Apple sẽ chuyển chúng đến các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc bằng đường hàng không để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trước đó, các hãng sản xuất máy tính tại Trung Quốc đều vận chuyển hàng hóa đến Mỹ chủ yếu bằng tàu container. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng một tháng. Tim Cook đã tiên phong trong việc thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa. Điện thoại thông minh đủ nhỏ để vận chuyển bằng máy bay với số lượng lớn và tiết kiệm chi phí. Một chiếc Boeing 747 có thể dễ dàng mang theo 150.000 chiếc iPhone.

Bên cạnh đó, Apple cũng sử dụng dịch vụ chuyển phát để giao hàng cho những người dùng đặt mua sản phẩm online qua website của công ty. Ở những kênh phân phối còn lại như cửa hàng bán lẻ và nhà phân phối, Apple trữ hàng tại kho trung tâm và giao sản phẩm từ các kho này.

Giám đốc quản lý chuỗi cung ứng tại Apple cho biết Tim Cook rất quan tâm đến thời gian hoàn thiện sản phẩm. Bởi vì nó càng ngắn thì càng giúp cho khách hàng hạnh phúc hơn và giảm đi áp lực của hàng tồn kho.

Tim Cook cho rằng lĩnh vực công nghệ thay đổi rất nhanh chóng. Vì thế, việc để hàng tồn kho quá lâu được xem là một tội ác. Ông so sánh các sản phẩm Apple giống như việc kinh doanh trong ngành bơ sữa. Nếu sản phẩm lưu kho vượt quá hạn sử dụng thì công ty đã gặp vấn đề vì không ai muốn mua sữa tươi đã bị chua. Ngoài ra, Tim Cook cũng khẳng định giá trị sản phẩm sẽ giảm từ 1 đến 2% mỗi tuần nếu tình trạng tồn kho tiếp diễn.