1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lừa hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 5,3 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Hơn 100 người gom góp tiền tiết kiệm, vay mượn để đưa tiền cho Nguyễn Việt Vương làm các thủ tục xuất khẩu lao động đi Nhật Bản rồi bị Vương chiếm đoạt.

Cuối tháng 1 vừa qua, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Việt Vương (34 tuổi, ngụ TP Hà Nội) 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 5,3 tỷ đồng - 1

Bị cáo Vương tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Là một trong những bị hại có mặt sớm nhất tại tòa, bà Trần Quyên (40 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết để đưa Vương ra trước "vành móng ngựa", bà cùng 100 người đã phải đi gõ cửa hàng loạt cơ quan tố tụng trong suốt nhiều năm.

Theo bà Quyên, gần chục năm trước, vợ chồng bà làm nhân viên bán hàng, thu nhập thấp, cuộc sống vất vả. Vì muốn tìm kiếm cơ hội "đổi đời" nên khi được người quen giới thiệu đi xuất khẩu lao động, cả hai vợ chồng bà lên TPHCM nộp hồ sơ đăng ký ngay.

Vợ chồng bà Quyên gom hết tiền tiết kiệm, chạy vạy, vay mượn thêm nhiều người thân để nộp cho Vương. Khi đóng đủ tiền, hai người lên TPHCM học tiếng Nhật. Tuy nhiên, sau 6 tháng đi học tiếng Nhật, vợ chồng bà chờ mãi vẫn không được đi làm.

Sau đó, bà Quyên cùng một số người nhiều lần tìm Vương để đòi lại tiền nhưng không được.

"Khổ lắm, mấy năm nay đi lên đi xuống biết bao nhiêu lần nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền. Hai vợ chồng làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa hết, rồi còn phải nuôi con cái nữa", bà Quyên nói.

Lừa hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 5,3 tỷ đồng - 2

Bà Quyên bày tỏ mong muốn nhận lại tiền (Ảnh: Xuân Duy).

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Luân (31 tuổi, quê Tiền Giang) đã nộp cho Vương tổng cộng hơn 3.000 USD.

 "Tôi vay mượn tiền với hy vọng kiếm được việc ở nước ngoài thay cho nghề phụ xe, ai ngờ đâu bị lừa mất hết. Bao nhiêu năm nay tôi cày để trả cả vốn lẫn lời vẫn chưa hết", anh Luân nói, giọng rầu rĩ.

Người đàn ông này cho biết tại thời điểm đóng tiền, Vương yêu cầu phải đóng bằng USD nên anh Luân phải đi đổi tiền nhiều nơi. Sau khi đóng tiền, anh Luân được đưa tới một ký túc xá trên địa bàn TP Thủ Đức để học tiếng Nhật. Về nơi ở, phía trung tâm hỗ trợ còn tiền ăn trong thời gian học tiếng thì anh Luân phải đóng thêm.

Tiếp lời anh Luân, chị Nguyễn Hiền (32 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết mình có cuộc sống khó khăn nên muốn đi xuất khẩu lao động. Chị vay mượn khắp nơi để có tiền đóng cho trung tâm, 10 năm qua trả nợ chưa hết. Vì vậy, người phụ nữ này mong muốn nhận lại số tiền Vương đã chiếm đoạt.

Ngoài những người trên, phiên tòa còn có mặt hơn 20 bị hại, họ có nguyện vọng mong tòa xét xử, sớm giải quyết phần bồi thường thiệt hại để được nhận lại số tiền bị chiếm đoạt.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, Vương thành lập Văn phòng đại diện miền Nam của Công ty cổ phần Alantic THP tại huyện Củ Chi, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, môi giới lao động... Tuy nhiên, Vương đã tự ý hợp tác với ông Dương Công Quảng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản, cơ sở 2 tại TP Thủ Đức, để đưa người đi lao động tại nước ngoài.

Vương thông báo tuyển dụng và giao cho nhân viên thu tiền của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Ngoài chi phí đào tạo tiếng Nhật là 12 triệu đồng, Vương còn thu tiền cọc của mỗi người 2.800-3.500 USD tùy vào lĩnh vực. Các học viên được hứa hẹn làm việc trong ngành xây dựng, ván ép hoặc may mặc. Tổng cộng, Vương đã thu của 101 khách hàng hơn 7 tỷ đồng (gần 5,6 tỷ đồng và hơn 76.000 USD).

Sau thời gian dài chờ đợi, các khách hàng không được đưa ra nước ngoài làm việc như hứa hẹn. Vương cam kết với một số người sẽ trả lại tiền nhưng không thực hiện mà bỏ trốn. Sau thời gian dài không đòi lại được tiền đã nộp, các bị hại tố giác với công an. Đến tháng 7/2021, Vương bị bắt giam.

Nhà chức trách xác định, Văn phòng của Vương không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng đã tuyển dụng, thu tiền cọc hơn 7,2 tỷ đồng của 101 người, chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Quảng khai có hợp tác với Văn phòng của Vương để tìm kiếm người lao động cho trung tâm của mình. Theo thỏa thuận, chỉ khi nào người lao động được đưa đi xuất khẩu thì trung tâm của ông Quảng sẽ trả cho Vương 1.000 USD trên mỗi người.

Quá trình hợp tác, ông có nhờ Vương thu hộ số tiền 12 triệu đồng là chi phí học tiếng Nhật trên mỗi người. Việc Vương tự ý thu số tiền đặt cọc từ 2.800 đến 3.500 USD ông cho rằng mình không chịu trách nhiệm.