Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Nỗi lo trẻ đuối nước khi mùa hè đến

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dù số trẻ em tử vong do đuối nước những năm gần đây đã giảm so với trước, song trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn có hơn 2.000 trẻ tử vong vì nguyên nhân này.

Số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á; và đây là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi

Trẻ tử vong do đuối nước chủ yếu diễn ra trong mùa hè; trẻ ở nông thôn, khu vực thu nhập thấp có tỉ lệ tử vong cao gấp bốn lần trẻ ở thành thị; chỉ 3-4% trẻ từ 6-14 tuổi ở nông thôn biết bơi, trong khi tỷ lệ trẻ cùng độ tuổi ở thành thị biết bơi là khoảng 30%.

Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật trẻ em và trên cơ sở đạo luật này, lần đầu tiên, trong một văn bản quy phạm pháp luật (Chỉ thị 17), cụm từ "phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em" được nhắc đến.

Đến năm 2020, Thủ tướng ra Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đưa ra những quy định pháp lý cụ thể về "triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước" và "rà soát khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước".

Sau đó một năm, năm 2021, Thủ tướng quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Chương trình này đặt ra các mục tiêu cụ thể có tính định lượng: giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025.

Tháng 5/2022, Thủ tướng tiếp tục ra công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, trong đó quy định "làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương".

Điểm qua các văn bản nêu trên cho thấy đây là vấn đề cần được quan tâm ở cấp độ toàn quốc cũng như từng địa phương và mỗi gia đình. Câu hỏi đặt ra khi một mùa hè sắp tới, làm thế nào để giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất có thể? Đâu là kinh nghiệm của các quốc gia khác mà chúng ta có thể học tập?

Nỗi lo trẻ đuối nước khi mùa hè đến - 1

Lực lượng chức năng huyện Krông Pa tìm kiếm, cứu nạn trẻ đuối nước (Ảnh: Công an huyện Krông Pa).

Theo tôi, chúng ta nên tham khảo những chính sách sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm của Na Uy, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Hà Lan… cho thấy cần đưa môn bơi trở thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục cơ bản. Ví dụ, ở Hà Lan, bơi là môn bắt buộc áp dụng từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, khi tình trạng đuối nước của trẻ ở quốc gia này tăng cao. Chương trình này được áp dụng từ cấp tiểu học. Và để lên lớp, tốt nghiệp, học sinh phải đạt các trình độ tương ứng, như Điểm A, Điểm B hoặc Điểm C. Ví dụ, Điểm A là trẻ có nhận thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi cơ bản.

Chuẩn đầu ra cho môn bơi của học sinh tiểu học của Úc là phải bơi tự do được 50 mét, bơi ngửa 25 mét, bơi ếch 25 mét. Hoặc chương trình dạy bơi được thiết kế chia thành những cấp độ: biết cách tham gia môi trường nước an toàn, bơi tự cứu, kỹ năng cứu hộ, kỹ năng sinh tồn…

Để học hỏi theo mô hình của các nước kể trên đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi chương trình giáo dục tổng thể, nội dung giáo dục từng cấp, từng lớp, cụ thể là môn giáo dục thể chất ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở.  

Thứ hai, để triển khai mô hình của Úc, Hà Lan thì cần phải tăng ngân sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây bể bơi, vận hành và đào tạo giáo viên. Theo thống kê, hiện trên cả nước chỉ 8,63% trường có bể bơi. Nhiều trường đủ tiền xây bể bơi song lại không có kinh phí vận hành. Chưa kể, phần lớn các trường không có giáo viên thể dục tốt nghiệp đúng chuyên ngành bơi lội.

Để giải quyết vấn đề nguồn lực tài chính, nguồn lực con người như kể trên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở rộng cơ chế xã hội hóa hoặc để các trường "thuê ngoài" dịch vụ dạy bơi, thuê bể bơi.

Thành công trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Na Uy là sự kết hợp giữa yêu cầu bơi lội là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục cơ bản, và chính sách cho các trường thuê ngoài cơ sở vật chất, dịch vụ dạy bơi. Trường và cơ quan quản lý giáo dục tập trung vào khâu thi cử, đánh giá chất lượng, kỹ năng bơi lội của học sinh. Ví dụ, trẻ 9-10 tuổi ở Na Uy, để tốt nghiệp cấp học thì phải vượt qua bài thi sau: lặn sâu xuống nước, rồi bơi trườn sấp 100 mét, rồi lặn xuống để lấy một vật thể, dừng, nghỉ và thả nổi cơ thể trong ba phút, sau đó bơi ngửa 100 mét và về đích.

Nhờ vậy, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Na Uy rất thấp, năm 2017 là 94 người, năm 2018 là 102 người, và năm 2019 là 86 người. Lưu ý con số tử vong này là thống kê cho tất cả độ tuổi, giới tính. Còn trẻ tử vong do đuối nước ở Na Uy gần như bằng không. Mà chúng ta biết rằng, Na Uy là đất nước được bao bọc xung quanh là biển, với rất nhiều sông hồ trên đất liền.  

Thứ ba, kinh nghiệm phòng, chống đuối nước ở Anh lại chỉ ra cho chúng ta một bài học khác. Theo cuốn sách "Dạy trẻ tập bơi và phòng chống đuối nước" của Susan Meredith và Carol Hicks (chuyên gia và huấn luyện viên bơi lội Anh quốc), thì trẻ từ 1-4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao, vì vậy, chính phủ Anh khuyến khích trẻ làm quen với nước từ 4 tháng tuổi và triển khai các khóa học về an toàn trong môi trường nước và dạy bơi ngay từ cấp mầm non cho cả phụ huynh và trẻ.

Thứ tư, để có thể triển khai những giải pháp kể trên thì có lẽ chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Nên chăng, để góp phần giải quyết nỗi lo về tình trạng trẻ tử vong do đuối nước hiện nay, Việt Nam thành lập một Ủy ban chuyên trách về phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở cấp trung ương cũng như từng tỉnh, huyện để tập trung và huy động đủ nguồn lực thực hiện các giải pháp cần thiết.

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!