1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đối mặt khó khăn về khan hiếm cát đắp nền và mặt bằng tiếp nhận thi công.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 1

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km được phân thành 2 dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Sau khoảng 4 tháng triển khai, dự án mới đạt gần 2% giá trị hợp đồng. Nhà thầu thi công đang gặp khó khăn khi lượng cát đắp nền khan hiếm và vướng mắc hạ tầng điện, mặt bằng ở một số nơi.

Cận cảnh cao tốc trị giá 10.000 tỷ đồng sau 4 tháng thi công (Clip: Bảo Kỳ).

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 2

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương đảm bảo nguồn cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tới nay các địa phương mới cam kết cung cấp được khoảng 3 triệu m3 (trong khi cần hơn 18 triệu m3). Trong đó, An Giang cam kết cung cấp 1,1 triệu m3, Đồng Tháp cam kết 1,9 triệu m3, Vĩnh Long đang rà soát, thăm dò mỏ mới. Đến nay, mới có tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định tăng công suất mỏ, các nhà thầu mới chỉ lấy được hơn 370.000m3 cát về công trường.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 3

Toàn tuyến đã đào được khoảng 37km, đồng thời tổ chức thi công 39 cầu đã có mặt bằng và đường tiếp cận. Ghi nhận tại Km51 tuyến Cần Thơ - Hậu Giang, khu vực này được thi công cầu nhưng do thiếu cát khiến công tác triển khai gặp khó. Giai đoạn 1, nhà thầu đã đào xong, kế đến là rải vải địa kỹ thuật và đắp cát nền đường cho giai đoạn 2.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 4

Công đoạn rải vải địa kỹ thuật đã hoàn tất nhưng chưa thể hoàn thành giai đoạn 2 vì chờ cát.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 5

Tại cầu Lộ Đá thuộc nút giao IC5 (ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) là điểm cuối của tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang đang gặp khó khăn về hạ tầng điện. Ảnh hưởng bởi đường dây trung thế và cao thế nên tổ công tác chưa thể cắm cọc cốt thép dự ứng lực làm bệ, thân trụ cầu.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 6

Tại các điểm thi công cầu tuyến Cần Thơ - Hậu Giang đa số đã tập kết đầy đủ nguyên vật liệu nhưng chưa thể ráo riết triển khai vì vướng đường dây điện. Có 43 vị trí (cầu, kênh, sông lớn...) còn vướng, chưa tiếp cận công trường; chưa di dời 8 vị trí điện cao thế, 148 vị trí điện trung hạ thế, 106 vị trí đường nước và viễn thông.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 7

Đoạn qua địa bàn Hậu Giang còn vướng 16 vị trí chưa thông tuyến, chưa có mặt bằng cho đơn vị thi công vận chuyển cơ giới đi qua; 7 vị trí đường dây cao thế, 89 vị trí đường dây trung, hạ thế và 70 vị trí đường nước và viễn thông chưa di dời...

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 8

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng sản lượng công trình cầu trên tuyến. Cầu nào có mặt bằng, có đường tiếp cận phải thi công ngay. Với cầu không có đường tiếp cận, các nhà thầu phải làm đường công vụ để đưa máy móc, thiết bị vào triển khai.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 9

Phía UBND tỉnh Hậu Giang cho biết đã có các giải pháp tháo gỡ cụ thể từng vị trí còn vướng. Trước mắt, đối với các vị trí chưa thông tuyến, cần tập trung vận động các hộ dân cho xe máy thi công đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công.

Cận cảnh cao tốc 10.000 tỷ sau 4 tháng triển khai - 10

Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang có điểm đầu Km15+350 giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ; điểm cuối Km53+000 giao với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65km (Ảnh: Chụp màn hình từ Map).