1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Gắn camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát ở miền Tây

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Tại khu vực khai thác bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát. Công an cũng giám sát trực tiếp và bảo vệ an ninh trật tự trong suốt thời gian khai thác.

Ngày 16/5, tại Đồng Tháp, 2 mỏ cát đầu tiên giao cho nhà thầu thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã được khởi công sau nhiều tháng thực hiện các thủ tục.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, đây là mỏ cát Tân Thuận Đông nằm trên địa bàn xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò.

Mỏ cát này có diện tích 25,31ha, tổng trữ lượng 1,75 triệu m³, được phép khai thác 1,2 triệu m³.

Gắn camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát ở miền Tây - 1

Mỏ cát ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) khởi công ngày 15/5, phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: CTV).

Công suất khai thác 1 triệu m³/năm. Thời gian khai thác trong 15 tháng và cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ 6 tháng.

Còn mỏ cát Thường Lạc thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, TP Hồng Ngự diện tích gần 12ha. Tổng trữ lượng trên 750.000m³ được phép khai thác tối đa hơn 530.000m³.

Khai thác theo hình thức lộ thiên trong 10 tháng và cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ 6 tháng.

2 mỏ cát Tân Thuận Đông và Thường Lạc đều nằm trên sông Tiền, được UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Trước đó, ngày 15/5, tức 4 ngày sau chuyến khảo sát của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mỏ cát đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bắt đầu khai thác, phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).

Điều đặc biệt, trên các xáng cạp khai thác cát có niêm yết thông tin thời gian, số lượng phương tiện và có cả số điện thoại của chủ đầu tư, cùng đường dây nóng của các cơ quan chức năng, như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, công an địa phương, UBND huyện, xã.

Đồng thời, tại khu vực khai thác, đơn vị còn bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát. 

Mặt khác, Công an tỉnh Vĩnh Long cũng bố trí lực lượng giám sát trực tiếp và bảo vệ an ninh trật tự trong suốt thời gian khai thác.

Ông Đỗ Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty VNCN E&C cho biết, độ sâu, công suất, thời gian khai thác, đơn vị tuân thủ tuyệt đối theo bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt.

Gắn camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát ở miền Tây - 2

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong quá trình khai thác, công ty cũng sẽ theo dõi quan trắc hàng ngày. Nếu tại khu vực khai thác có hiện tượng sạt lở thì tạm dừng ngay, phối hợp cơ quan Nhà nước xác định nguyên nhân và có hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân. 

Ngày 11/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi khảo sát mỏ cát ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). 

Sau khi khảo sát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi gặp gỡ với bà con sinh sống khu vực khai thác cát.

Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát đo đạc, đánh giá lại hiện trạng các hộ dân sinh sống ở khu vực khai thác của ba mỏ cát. Bên cạnh đó, các nhà thầu cần triển khai việc khoan trắc địa hình khu vực mỏ cát.

Đồng thời giao các cơ quan chuyên môn tiến hành thăm dò địa chất, kiểm tra lại các vấn đề mà người dân nêu ý kiến.

Sau khi có kết quả, phải công bố rộng rãi cho bà con được biết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phương án, khu vực, độ sâu, công suất khai thác đối với các mỏ cát...

Trong buổi làm việc chiều cùng ngày về việc giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng nhất trí chỗ nào thiếu cát sông sẽ sử dụng cát biển thay thế.