Bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, không bỏ ai lại phía sau

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật chỉ đạo công tác chăm lo người yếu thế khi triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong lĩnh vực này.

Hơn 1 triệu trẻ khuyết tật được chăm sóc

Báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật tổ chức sáng 28/12, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH Tô Đức cho biết, năm 2023 ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đến nay cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, không bỏ ai lại phía sau - 1

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chủ trì hội nghị (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật.

Đơn cử, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị...

Với nguồn kinh phí trên, Hội đã tổ chức thăm và tặng quà 5.410 trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng tại một số cơ sở trợ giúp xã hội, tặng quà 656 gia đình trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp tết Nguyên đán, Ngày Người khuyết tật Việt Nam…

Về công tác y tế, đã có trên 3.700 người khuyết tật được lập hồ sơ sức khỏe, 2.066 người được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 người được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh; 2.500 người khuyết tật được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe; 3.500 người khuyết tật và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà…

Năm 2023, nhiều người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế.

Hội người mù Việt Nam mở được 91 lớp cho 1.192 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 1.421 học viên. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật...

Bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, không bỏ ai lại phía sau - 2

Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật trong năm 2024, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật; nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho người khuyết tật; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho đối tượng người khuyết tật…

Đảm bảo an sinh với người khuyết tật

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn và đề xuất một số hoạt động năm 2024, trong đó các đại biểu kiến nghị phải tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật.

Bên cạnh đó, chú trọng những chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023, công tác bảo đảm an sinh xã hội theo Hiến pháp, trong đó có công tác bảo đảm an sinh cho người khuyết tật đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động.

Qua đó, các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện các quy định hỗ trợ cho người khuyết tật.

Bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, không bỏ ai lại phía sau - 3

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi yêu cầu các cơ quan tiếp tục quan tâm, bảo đảm an sinh xã hội đối với cộng đồng người khuyết tật, không để ai bị bỏ lại phía sau (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật mong muốn cơ quan điều hành tiếp tục phát huy thành quả hoạt động hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội đối với cộng đồng người khuyết tật, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Năm 2024, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, Luật người khuyết tật, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị các cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về người khuyết tật; nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin và truyền thông.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật.