Đất thừa kế thuộc về ai sau 30 năm dài quản lý?

Hải Hà

(Dân trí) - Quy định tại khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 là một quy định mới, đột phá để giải quyết khoảng trống pháp lý về di sản thừa kế, để người quản lý di sản hơn 30 năm được trở thành chủ sử dụng.

Ông bà tôi sinh được hai anh em. Bố tôi là trưởng, không thoát ly mà sinh sống ở quê phụng dưỡng ông bà khi sống, lo tang ma khi ông bà mất. Sau 30 năm từ ngày ông bà mất, bố tôi vẫn tiếp tục quản lý hơn 1000 m2 của ông bà. Chú tôi thì đi biền biệt gần 40 năm chỉ thi thoảng đi về thăm nom chốc lát khi ông bà còn sống.

Đến nay bố tôi muốn được làm sổ đỏ toàn bộ đất của ông bà mang tên mình thì có được hay không? Gia đình tôi phải làm thế nào để đất sang tên mình? Chú của tôi còn có quyền gì với mảnh đất này hay không?.

Trả lời:

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho biết trường hợp của bạn được điều chỉnh bởi khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó: "Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó".

Với quy định nêu trên, bố bạn đang quản lý di sản của ông bà đã hơn 30 năm kể từ ngày ông bà bạn mất (thời điểm mở thừa kế) thì quyền sử dụng đất thuộc về bố bạn. Người chú đã mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông bà bạn.

Dù chú bạn đã mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế nhưng quyền sử dụng của bố bạn cũng không được nhiên được xác lập. Gia đình cần phải tiến hành thủ tục đề nghị Tòa án nơi có bất động sản công nhận việc xác lập quyền sử dụng đất theo thời hiệu hưởng quyền thừa kế. Dựa trên Quyết định công nhận quyền sở hữu theo thời hiệu của Tòa án, bạn liên hệ với UBND cấp xã nơi có đất tiến hành kê khai hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Khi này quyền sử dụng đất đã được xác lập cho bố bạn theo Quyết định của tòa án, đất không còn là di sản thừa kế chưa phân chia nên hồ sơ cấp giấy chứng nhận không phải khai nhận di sản thừa kế, không cần chữ ký của người chú của bạn nữa.

Quy định tại khoản 1 điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 là một quy định mới, đột phá để giải quyết khoảng trống pháp lý về việc di sản thừa kế thuộc về ai khi hết thời hiệu khởi kiện. Dù quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 nhưng trên thực tế tố tụng còn nhiều tranh cãi và rất ít trường hợp quy định này được áp dụng.

Tuy nhiên đây là một quy định ưu việt, giúp giải quyết nhanh nhất để người quản lý di sản hơn 30 năm được trở thành chủ sử dụng, xác lập quyền sở hữu của mình và bác bỏ quyền sở hữu của các thừa kế khác.