Từ vụ 360 người nhập viện sau khi ăn cơm gà:

Nước máy nhiễm khuẩn, ai sẽ đền bù cho người dân nếu ảnh hưởng sức khỏe?

Hải Hà

(Dân trí) - Độc giả Dân trí cho rằng cần điều tra nguồn gốc nước máy, sai thì nhà máy nước cũng phải đền bù, chủ quán sai thì chủ quán phải đền bù, không chỉ là chi trả viện phí.

Như đã đưa tin, trong vụ 360 người nhập viện sau khi ăn cơm gà, kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy có các loại vi khuẩn sinh độc tố trong cơm gà chan sốt trứng, gà xé mà nhiều người ở Khánh Hòa đã ăn, mua tại quán cơm gà Trâm Anh.

Theo đó, ngày 18/3, Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) phát đi kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, nước, bàn tay, bệnh phẩm được lấy tại bệnh viện, quán ăn và suất cơm gà mua từ quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang).

Kết quả cho thấy phát hiện khuẩn Salmonella và Bacillus cereus sinh độc tố NHE trong cơm gà chan sốt trứng, gà xé. Với mẫu hành phi, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với khuẩn Salmonella. Ngoài ra, vi khuẩn Staphylococcus aureus còn được phát hiện trong mẫu gà xé.

Bên cạnh đó, mẫu rau dưa chua còn phát hiện có khuẩn Bacillus cereus và Escherichia coli.

Mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến ở quán cơm gà Trâm Anh dương tính với vi khuẩn Escherichia coli và Coliform; mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng rửa dụng cụ dương tính với vi khuẩn Escherichia coli, Coliform và Pseudomonas aeruginosa.

Bình luận về vụ việc, nhiều độc giả cùng chung băn khoăn: nước máy nhiễm khuẩn dẫn đến chế biến bị nhiễm, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm đây?

Nước máy nhiễm khuẩn, ai sẽ đền bù cho người dân nếu ảnh hưởng sức khỏe? - 1

Các vi khuẩn sinh độc tố có trong sốt trứng, gà xé ở quán cơm gà Trâm Anh (Ảnh: Phú Khánh).

Độc giả Huynh dung nêu quan điểm: "Nếu nguồn nước là nguyên nhân gây ngộ độc thì xử lý thế nào đây? Cần phải xét hết các yếu tố nguy cơ vì khả năng nếu quán này được sử dụng nguồn nước máy thì nhà máy nước sẽ có nhiều lý do bác bỏ trách nhiệm của họ, cần phải điều tra công tâm để xem bên nào có lỗi. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về quán ăn là đương nhiên nhưng cần phải xem xét toàn bộ các khả năng, khía cạnh ngộ độc để những cơ sở kinh doanh ăn uống cẩn thận hơn vì nguồn đầu vào vì cái gì cũng có thể xảy ra.

Độc giả Quoc Pham: "Cần điều tra nguồn gốc nước máy, sai thì nhà máy nước cũng phải đền bù, chủ quán sai thì chủ quán phải đền bù; không chỉ là chi trả viện phí mà còn phải chi trả tổn thất sức khỏe, thời gian, công việc của các nạn nhân".

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng thời gian tới cơ quan giám định sẽ xác định cụ thể loại vi khuẩn nào gây ngộ độc. Loại vi khuẩn đó đến từ "các mẫu thực phẩm, nước, bàn tay," cụ thể nào gây ra ngộ độc. Sau đó mới xác định cụ thể trách nhiệm thêm của các cá nhân tổ chức liên quan khác liên đới chịu trách nhiệm cùng với chủ quán.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 thì khách hàng có quyền được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật, đơn vị cấp nước có nghĩa vụ bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu sau khi có kết luận của cơ quan chức năng về sự việc mà sức khỏe của các thực khách bị ảnh hưởng do nguồn nước bẩn gây ra có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của đơn vị cấp nước trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống cấp nước thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. 

Trường hợp sự việc không phải do lỗi của đơn vị cấp nước mà do cá nhân, tổ chức khác có hành vi làm ô nhiễm nguồn nước, dù đơn vị cấp nước đã dùng mọi biện pháp để khắc phục sự cố nhưng vẫn cần thời gian nhất định để có nước sạch thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đó.