Bi hài tour giá rẻ Trung Quốc: Ăn cơm sinh viên, bị "bỏ bom" ở sân bay

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo chị Phương, vì mua tour giá rẻ, nhiều du khách mất tới một nửa lịch trình cho việc mua sắm dù không mong muốn. Có du khách chỉ ăn bữa cơm như cơm "sinh viên" toàn rau, lèo tèo vài miếng thịt...

Khóc cười với tour giá rẻ

Cuối tháng 3, chị Phạm Thu H. (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng nhóm bạn lên Sa Pa, Lào Cai du lịch. Cả nhóm nảy ra ý định sang một số địa điểm thuộc châu Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc chơi khi biết ngày càng có nhiều du khách sang nước bạn bằng sổ thông hành qua cửa khẩu.

Cả nhóm tìm và chọn mua tour của một công ty ở gần khu vực cửa khẩu. Giá tour rất rẻ, chỉ hơn 2 triệu đồng/người 3 ngày 2 đêm. Nhóm chị H. nhanh chóng chuyển tiền và nhập cảnh vào Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Bi hài tour giá rẻ Trung Quốc: Ăn cơm sinh viên, bị bỏ bom ở sân bay - 1

Nhiều du khách Việt vào Trung Quốc du lịch qua cửa khẩu Hà Khẩu, Trung Quốc (Ảnh: Hồng Anh).

 Nhóm của chị H. được ghép với một vài nhóm du khách khác đưa đến tham quan Bình Biên, Kiến Thủy, công viên Phượng Hoàng…

"Tôi nghĩ giá tour rẻ vì đã cắt bớt các khâu di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai và do mua của công ty ở gần cửa khẩu thì họ có mối quen bên Trung Quốc sẽ biết được cách tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, khi đi rồi mới thấy điều kiện ăn ở không như mong đợi. Chúng tôi có những bữa ăn đạm bạc không khác gì cơm sinh viên, nhiều bữa bày biện khá hơn thì rau nhiều hơn thịt. Thay vì ngủ khách sạn 3-4 sao như lời chào mời của bên bán tour thì chúng tôi chỉ ngủ trong nhà nghỉ bình dân chật chội", chị H. kể.

Bi hài tour giá rẻ Trung Quốc: Ăn cơm sinh viên, bị bỏ bom ở sân bay - 2

Bữa cơm rau nhiều hơn thịt trong một tour Trung Quốc giá rẻ của khách Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Đào Văn Duy (Nam Định) cùng bạn gái đã cẩn thận lựa chọn tour "no shopping" (không mua sắm) nhưng thực tế vẫn có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đi du lịch tại Lệ Giang (Trung Quốc).

Anh Duy kể, khi đi du lịch tại Trung Quốc chỉ hướng dẫn viên bản địa mới được giới thiệu, thuyết minh về cảnh điểm. Tuy nhiên, hướng dẫn viên bản địa phụ trách tour anh Duy tham quan lại không nói tốt tiếng Việt. Nhiều điểm tham quan khá đẹp và hoành tráng nhưng du khách không được nghe các thông tin, câu chuyện liên quan.

Dù yếu trong khâu hướng dẫn nhưng những người này lại rất nhanh nhẹn khi bán hàng. "Chúng tôi chọn tour "no shopping" để không bị lùa vào mấy chỗ mua sắm nhưng hướng dẫn viên thường xuyên mang đồ ăn lên xe để bán, mời chào du khách. Nhiều cô trong đoàn cuối cùng cũng mua ủng hộ cho bớt ngại", anh Duy kể.

Chị Đỗ Minh (ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, trước đây, chị từng chịu cảnh bơ vơ ở sân bay vì tour giá rẻ.

Theo chị Minh, lần ấy, chị và gia đình háo hức chuẩn bị tới Phượng Hoàng Cổ Trấn (Hồ Nam, Trung Quốc) du lịch. Tuy nhiên, ra tới sân bay, họ chờ nhiều tiếng đồng hồ nhưng máy bay không tới đón. Công ty du lịch phía Việt Nam khi đó cũng thừa nhận trách nhiệm và hoàn tiền cho chị Minh.

"Sau này tôi mới biết, chính công ty du lịch ở Việt Nam cũng bị đối tác "bỏ bom" vì ham các gói tour giá hời", chị Minh kể.

Bí kíp tự bảo vệ quyền lợi khi đi tour giá rẻ

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện phát triển Du lịch Xã hội từng chia sẻ rằng, bên cạnh những tour giá rẻ chủ động tích cực, đem lại giá trị cao nhất cho khách hàng thì có những tour giá rẻ "gài bẫy" khách bằng những chiêu trò như cắt giảm dịch vụ, nhập nhẹp về giá vé tham quan, chất lượng nơi ăn chốn nghỉ. Đặc biệt, nhiều tour còn áp dụng chiêu lồng ghép mua sắm để bù chi phí.

Chị Cù Minh Phương (CEO CMPVINA Travel & Logistics) cho hay, không riêng gì Trung Quốc, các thị trường du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…. luôn có hai dạng tour "no shopping" (không mua sắm) và "có shopping" (có mua sắm). Các tour có chương trình mua sắm rẻ hơn tour không mua sắm có thể tới 20%.

Bi hài tour giá rẻ Trung Quốc: Ăn cơm sinh viên, bị bỏ bom ở sân bay - 3

Một nhân viên bán hàng Trung Quốc tiếp thị sản phẩm thuốc Đông y cho du khách Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các tour giá rẻ sẽ được công ty du lịch bù chi phí bằng cách thu lại lợi nhuận từ việc bán hàng hóa, giảm chất lượng dịch vụ ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi. Các gói tour này được phía đối tác ở nước sở tại thiết kế, thu lợi nhuận.

Họ cũng đưa ra các gói tour không có chương trình mua sắm và lựa chọn sẽ nằm ở phía khách hàng. Là khách du lịch nhiều người có tâm lý thích giá rẻ, tiết kiệm.

"Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều du khách mất tới một nửa lịch trình cho việc mua sắm dù không mong muốn. Có du khách từng than chỉ ăn bữa cơm như cơm sinh viên lèo tèo vài miếng thịt, miếng rau giá chỉ bằng một nửa so với suất ăn của một khách thông thường; ở tại nhà nghỉ gia đình; đến điểm tham quan thì tự phải mua vé", chị Phương cho hay.

Vì vậy, để tránh những trải nghiệm không mấy vui vẻ liên quan đến việc mua sắm, tham quan, chị Phương cho rằng, du khách cần phải chú ý xem trước lịch trình để xem chuyến đi ấy có phù hợp với nhu cầu của mình không. Đó là chương trình có mua sắm hay không mua sắm, bữa ăn giá bao nhiêu, nơi ngủ nghỉ thế nào...?

"Không nên thấy tour rẻ mà ham. Thời đại công nghệ thông tin, du khách chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm là có thể so sánh giá ở nhiều công ty để xem chênh lệch nhiều không. Nếu thấy tour mình đang tham khảo quá rẻ thì cũng nên đặt câu hỏi", nữ giám đốc nêu kinh nghiệm,

Theo chị Phương, tour mua sắm hay không mua sắm có điểm hay, điểm dở riêng. Việc lồng ghép mua sắm trong chương trình tham quan của du khách không hoàn toàn là xấu.

Điều quan trọng là chương trình đó phải phù hợp, cho khách quyền chủ động, phía công ty chỉ hỗ trợ khách mua được những sản phẩm chất lượng, vừa ý mà không gây ra sự khó chịu.

Bi hài tour giá rẻ Trung Quốc: Ăn cơm sinh viên, bị bỏ bom ở sân bay - 4

Nhiều tour tham quan Trung Quốc hấp dẫn du khách Việt khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 (Ảnh: Hồng Anh).

"Mua sắm là một phần không thể thiếu khi đi du lịch. Công ty của tôi luôn thông báo rõ lịch trình "no shopping" cho khách chọn. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài, nhiều đoàn khách lại yêu cầu cắt điểm, bớt lịch trình để đưa đi mua sắm. Lý do họ đưa ra là vừa muốn tìm hiểu về các sản vật, văn hóa địa phương vừa muốn có quà mang về cho người thân", chị Phương nói.

Thực tế, tour có chương trình mua sắm ở Trung Quốc vẫn được nhiều du khách lựa chọn với tâm lý rẻ, tiết kiệm. Nhiều người cũng đồng ý tới các cửa hàng vì cho rằng đằng nào mình cũng cần mua quà về cho người thân.

Tuy nhiên, chị Phương cho hay, chất lượng mua sắm ở các tour cũng khác nhau. Chất lượng hàng hóa ở tour giá rẻ chắc chắn không bằng chất lượng hàng hóa ở tour cùng loại (có chương trình mua sắm) giá cao hơn.

Nữ giám đốc nhấn mạnh: "Mỗi du khách hãy là một người tiêu dùng thông thái. Mua hàng là hành động chủ quan của mỗi người, nếu chọn mua sắm, du khách có thể thoải mái mặc cả, lựa chọn đồ mình cần, không nên mua theo hiệu ứng đám đông.

Thời gian dừng ở mỗi điểm chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Nếu dừng lâu quá, phá vỡ lịch trình, ảnh hưởng đến thời gian chuyến đi du khách nên ý kiến với hướng dẫn viên để tự bảo vệ quyền lợi cho mình".