Du khách nổi da gà khi chứng kiến "nhật thực trăm năm có một" trong 4 phút

Huy Hoàng

(Dân trí) - Vị khách gốc Việt đã mô tả lại quá trình nghẹt thở mới săn được tấm vé máy bay đi quan sát nhật thực toàn phần "trăm năm có một" ở độ cao khoảng 9.100m. Khoảnh khắc kỳ diệu khiến anh nổi da gà.

Hành trình săn vé

Tối 8/4 và rạng sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), người dân ở miền bắc Mexico, 15 bang ở Mỹ và miền đông nam Canada có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần.

Các chuyên gia gọi lần này là nhật thực "trăm năm mới có một lần" khi xảy ra vào lúc mặt trời đạt vị trí cực đại đồng thời có thể quan sát sao chổi khi đang diễn ra nhật thực.

Để bắt gặp khoảnh khắc này, số lượng lớn người Mỹ, Mexico và Canada sẵn lòng bỏ tiền mua vé máy bay đi "săn nhật thực". Nếu bỏ lỡ, họ phải đợi tới tháng 8/2044 tức là 20 năm nữa mới có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn này.

Du khách nổi da gà khi chứng kiến nhật thực trăm năm có một trong 4 phút - 1
Nhật thực toàn phần qua ô cửa sổ máy bay (Ảnh: Getty).

Khi biết thông tin về nhật thực trăm năm có một, anh Do Trinh, một người gốc Việt hiện là cố vấn rủi ro IT đến từ Amsterdam (Hà Lan) đặt vội máy bay để săn khoảnh khắc.

Anh Trinh mô tả lại hành trình săn vé nghẹt thở của mình diễn ra như thế nào. Nhưng bù lại anh cho rằng điều mình nhận được hoàn toàn xứng đáng.

"Sau khi nhìn thấy một bức ảnh đẹp chụp từ trên không về lần nhật thực trước đó, tôi bị chinh phục hoàn toàn, quyết tâm săn vé bằng được để ngắm nhìn trên cao", anh Trinh nói.

Xem xét lịch trình của hàng loạt các hãng hàng không tại Mỹ, anh Trinh chốt chuyến bay của hãng Delta, chặng đi từ San Antonio đến Detroit.

Đầu tháng 1/2024, anh đặt vé luôn cho kịp thời gian với giá là 500 USD. Thậm chí, vị khách 47 tuổi còn tính toán mọi yếu tố từ chuyến bay nào, vị trí chỗ ngồi ở đâu cho phù hợp với góc của mặt trời.

Tuy nhiên "nhân tính không bằng trời tính", sau đó hãng bay thông báo cho anh Trinh chuyến bay Delta 572 bị lùi lại 3 tiếng. Nhận thông tin không khác gì "tiếng sét ngang tai", du khách gốc Việt lo lắng sợ mình không thể lên đúng chuyến bay vào thời điểm diễn ra nhật thực.

Bằng mọi cách, anh Trinh xoay chuyển tình thế. Anh đặt một chuyến bay khác của hãng Southwest đi từ Austin đến Detroit với số ghế 2A để đề phòng.

Đến cuối tháng 2/2024, anh Trinh bất ngờ nhận tiếp thông tin, hãng hàng không Delta cho biết, chuyến bay từ Austin tới Detroit do anh đặt trước đó, được vận hành đúng như dự kiến ban đầu do nhu cầu "các tín đồ săn nhật thực" tăng cao.

Du khách nổi da gà khi chứng kiến nhật thực trăm năm có một trong 4 phút - 2
Hàng triệu người dân Mỹ, Canada, Mexico muốn tận mắt chứng kiến hiện tượng thiên văn kỳ thú này (Ảnh: New Yorker).

Thậm chí, hãng hàng không này còn có cả chuyến bay khác trên chiếc Airbus A220 với sức chứa 130 người, có cửa sổ lớn ở khoang hàng khách và nhà vệ sinh nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Đương nhiên, chuyến bay sớm cháy vé chỉ trong vòng 24 tiếng.

Các phi công trên những chuyến bay này muốn mang lại cho hành khách cả ở hai bên máy bay tầm nhìn tốt nhất để ngắm nhật thực bằng cách thực hiện những thao tác như nghiêng, quay đầu máy bay.

Bay 30 tiếng ngắm nhật thực trong vài phút

Bắt đầu từ Amsterdam (Hà Lan), anh Trinh đáp 4 chuyến bay tới Austin (Mỹ). Đây là nơi anh lên máy bay săn nhật thực của hãng Delta kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Tổng hành trình bay của vị khách gốc Việt lên tới 30 tiếng.

"Tôi cố gắng bay thường xuyên để đủ số điểm tích lũy nhằm đạt thẻ bạch kim trọn đời của hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan KLM. Đồng thời mục tiêu quan trọng khác của tôi là săn nhật thực", anh nói.

Hàng triệu người dân Mỹ, Mexico, Canada đổ xô đi ngắm nhật thực toàn phần (Nguồn video: ABC).

Lần gần nhất anh Trinh được tận mắt thấy nhật thực là năm 1999 ở miền bắc nước Pháp. Do thời gian đã khá lâu nên anh không còn nhớ cảm giác tuyệt vời ra sao. 

Bởi vậy, anh Trinh rất háo hức với chuyến đi này. Sự phấn kích khiến du khách 47 tuổi quên hết mệt mỏi.

Và khoảnh khắc cả máy bay mong chờ nhất đã tới. Đó là lúc toàn bộ nền trời trở nên tối tăm. Vòng tròn màu đen của mặt trăng bao bọc bởi vòng tròn ánh sáng màu trắng. Các hành khách còn hướng dẫn nhau những góc nhìn ấn tượng nhất.

"Được tận mắt chứng kiến là một trải nghiệm rất khó diễn tả bằng lời. Tôi thấy nổi da gà vì quá đẹp", anh Trinh nhận xét.

Dù khoảnh khắc chỉ kéo dài vài phút nhưng với vị khách gốc Việt, điều này hoàn toàn xứng đáng. Sau khi máy bay hạ cánh xuống Detroit, anh Trinh lại đặt một vé khác để quay trở về Hà Lan.

Đây là lần nhật thực toàn phần dài nhất ở Mỹ kể từ năm 1806 và cũng là nhật thực toàn phần tối nhất ở Mỹ trong vòng 217 năm qua.

Hàng triệu người dân Mỹ, Mexico và Canada được mãn nhãn với màn trình diễn kéo dài từ 3,5 đến 4 phút giữa mặt trời và mặt trăng.