Làm gì để dọn tổ đón đại bàng công nghiệp chất bán dẫn?

Mộc An

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 lần nhấn mạnh với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) về cam kết của Việt Nam đối với việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Dọn tổ sẵn sàng đón đại bàng công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tại Tọa đàm "Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam" diễn ra sáng nay (7/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. 

Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp này. Thời gian qua, hàng loạt các động thái về chính sách đã được triển khai.

Thứ nhất, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Thứ 2, tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Thứ 3, Việt Nam thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Đây là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. 

Thứ 4, quy hoạch điện 8 cũng đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững. 

Thứ 5, hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ. 

Làm gì để dọn tổ đón đại bàng công nghiệp chất bán dẫn? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc tọa đàm (Ảnh: MPI).

Thứ 6, Việt Nam có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Ông John Neuffer - Chủ tịch SIA John Neuffer đã chia sẻ về các hoạt động hợp tác Mỹ - Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Neuffer cho biết các doanh nghiệp thành viên của SIA có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon,... Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

"Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", ông Neuffer bày tỏ. 

Đảm bảo là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp thuộc SIA đặc biệt quan tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cho biết hiện rất khó để tìm được nhân tài ngành này. Từ đó các đơn vị bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

"Việt Nam đảm bảo sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất, đầy đủ nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. 

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ thêm về lợi thế nguồn nhân lực của Việt Nam. Hiện nay số lượng sinh viên theo học STEM chiếm 1/3 và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua.

Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo ngành toán và hóa học, đứng vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nền tảng tốt trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Ngoài ra Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.

Ông Phúc cho rằng nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo thêm tới đào tạo mới hoàn toàn.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm.

Tại tọa đàm, đại diện các chính quyền địa phương cũng chia sẻ về những chính sách nhằm phát triển ngành nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết địa phương này đã và đang triển khai phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực liên quan đến các ngành công nghệ cao.

Trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao. Tỉnh này đã dành 400 tỷ đồng cho chính sách này.

Ông Tuấn cho biết Bắc Ninh trong năm 2024 sẽ ra Nghị quyết hỗ trợ cơ sở đào tạo, học phí đối với sinh viên học chuyên ngành bán dẫn, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các cơ chế ưu đãi để thu hút các trường đại học nổi tiếng về Bắc Ninh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã cung cấp cho phía SIA và các doanh nghiệp thành viên các thông tin cơ bản về môi trường đầu tư kinh doanh và điều kiện hạ tầng điện, nước, giao thông và chính sách ưu đãi tại các KCN, KKT, KCNC.

Qua đó, cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng về hạ tầng và các điều kiện cần thiết để đón nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ./