1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Saigon Square bị "đột kích", tiểu thương bán Gucci, LV nhái trở tay không kịp

Ghi Du

(Dân trí) - Lực lượng QLTT chia thành 6 tổ công tác kiểm tra đột xuất 6 điểm kinh doanh tại Saigon Square. Lượng lớn hàng giả, nhái Gucci, Dior, LV đã bị thu giữ, mất hơn 1 ngày để kiểm đếm.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa "đột kích" một loạt cơ sở tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TPHCM) có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT TPHCM) đã chia thành 6 tổ công tác kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại địa điểm này.

Lực lượng QLTT đồng loạt kiểm tra các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton (LV), Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một sản phẩm. Các hộ kinh doanh này hầu như đều có tên tuổi tại Saigon Square.

Qua hơn một ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, lực lượng QLTT làm các thủ tục tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.

Saigon Square bị đột kích, tiểu thương bán Gucci, LV nhái trở tay không kịp - 1

Lực lượng QLTT đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm (Ảnh: Tổng cục QLTT).

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, Trung tâm thương mại Saigon Square được ví như "thiên đường mua sắm" cho các tín đồ shopping ở TPHCM với đa dạng lĩnh vực và mặt hàng. Các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Saigon Square cũng là nơi "làm giàu" của nhiều hộ kinh doanh bởi "siêu lợi nhuận" từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

Liên quan đến việc tiêu thụ hàng nhái, hàng kém chất lượng, tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2/11, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), đề xuất cần xử lý cả những người cố tình mua hàng giả.

Theo vị đại biểu Quốc hội, việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Người bán hàng giả nếu bị phát hiện thì đã có luật để xử lý. 

"Thực tế, nhiều hàng giả thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo bà, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.