DMagazine

Cuộc giải cứu nữ osin "chui" suýt bị xâm hại

(Dân trí) - Mạo hiểm trốn ra ngoài sống "chui", làm việc "chui" nơi đất khách, những lao động may mắn có thể kiếm được khoản thu nhập kha khá nhưng số tiền kiếm được là sự đánh đổi bằng cả an toàn và sinh mạnh...

Mạo hiểm trốn ra ngoài sống "chui", làm việc "chui" nơi đất khách, những lao động may mắn có thể kiếm được khoản thu nhập kha khá. Nhưng đằng sau số tiền đánh đổi bằng cả an toàn và sinh mạnh ấy là những nỗi niềm khó tỏ cùng ai.

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 1

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng - chủ một doanh nghiệp về xuất khẩu lao động ở Nghệ An thì lao động bỏ trốn có thể do nhiều nguyên nhân. Một số người lựa chọn trốn ra ngoài khi sức lao động bỏ ra không tương xứng với thu nhập, bị quản lý, chủ doanh nghiệp xúc phạm, làm kiểu "lao động khổ sai"... 

"Một bộ phận không nhỏ bỏ ra ngoài là do bị xúi giục, lôi kéo hoặc do ý thức, kỷ luật lao động kém. Ngoài ra, có nhiều lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng gánh nặng kinh tế còn quá lớn, trong khi khả năng quay trở lại thị trường lao động nước ngoài khó, buộc họ phải lựa chọn cách bỏ trốn ra ngoài, dù rằng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ do không được pháp luật của nước sở tại bảo hộ", anh Hoàng cho hay. 

Gần 10 năm làm việc ở Đài Loan, anh Lê Quốc Đại (thành phố Vinh, Nghệ An) chứng kiến nhiều vụ việc lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc. Nếu may mắn tìm được công việc tốt, mức thu nhập có thể khá hơn khi làm trong các nhà máy theo diện hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, không hiếm người "ngậm quả đắng" khi trở thành lao động chui. 

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 3

"Có trường hợp người lao động bị chủ mới nắm thóp, tìm cách nợ lương vài ba tháng rồi báo cảnh sát bắt giữ", anh Đại kể. Nếu như lao động này chỉ phải chịu thiệt hại về kinh tế do bị quỵt tiền lương, phải nộp phạt, nộp bảo lãnh để về thì không hiếm trường hợp phải đánh đổi bằng sức khỏe, phải chịu thương tật suốt đời, thậm chí mất mạng.

Anh Đại vẫn ám ảnh câu chuyện về một lao động Việt Nam làm việc trong ngành đánh bắt hải sản xa bờ. Sau những chuyến đi biển dài ngày, điều kiện ăn uống thiếu thốn, lao động nặng nhọc, nhóm 3 lao động Việt Nam rủ nhau bỏ trốn khi tàu cập bờ. Trong lần bị lực lượng chức năng truy quét, một trong 3 lao động này đã nhảy từ tầng 3 xuống đường và bị gãy chân. Tuy nhiên, người này đã cố lết vào một hẻm nhỏ và trốn thoát. Nhưng không có bảo hiểm, chi phí điều trị đắt đỏ, nạn nhân đành trông chờ cộng đồng người lao động Việt ở nước sở tại quyên góp, hỗ trợ mua vé máy bay về nước.  

Nguy cơ khi bỏ trốn đối với lao động nữ theo anh Đại còn khủng khiếp hơn. Trong tình cảnh "thân cô thế cô", không được pháp luật bảo hộ, họ dễ bị ngược đãi, bạo hành, thậm chí là xâm hại tình dục. Cú điện thoại cầu cứu của một nữ giúp việc người Việt Nam vẫn còn ám ảnh anh Đại tới tận bây giờ. 

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 5

"Trong quá trình làm việc tại một gia đình đông thành viên do công ty môi giới giới thiệu, chị ấy bị "vắt kiệt" sức lao động do phải đảm nhận lượng công việc quá lớn. Đáng lẽ kiến nghị lên công ty môi giới để được đổi chủ thì chị ấy lại nghe bạn xúi giục, nhảy ra ngoài, giúp việc cho một gia đình khác. Hôm đó, gần trưa, tôi đang làm việc thì nhận được điện thoại của chị ấy. Qua điện thoại có thể thấy sự hoảng sợ, lo lắng. 

Chị ấy bảo, chủ nhà đe dọa hiếp dâm, chị chạy được ra ngoài, đóng cửa phòng nhốt chủ nhà lại nhưng toàn bộ giấy tờ, hành lý đang ở trong nhà. Tôi hướng dẫn chị chạy ra đường, bắt bất kỳ chiếc xe taxi nào, đến địa chỉ tôi nhắn qua điện thoại, đến nơi tôi trả tiền taxi. Nói thật, lúc đó tôi chỉ kịp chỉ dẫn chị ấy làm sao để thoát ra khỏi nguy hiểm nhanh nhất. Quãng thời gian chờ đợi thông tin phản hồi lại từ người giúp việc đáng thương đó, với chúng tôi, trôi chậm kinh khủng, chỉ sợ chị ấy bị gã chủ nhà kia bắt lại được...", anh Đại kể. 

Có thời điểm cả gia đình anh Đại, gồm vợ, hai người em trai và em dâu đều làm việc ở Đài Loan. Với những ám ảnh và trải nghiệm mắt thấy, tai nghe, anh Đại luôn dặn mọi người tuyệt đối loại bỏ suy nghĩ trốn ra ngoài. "Lao động bằng con đường hợp pháp có thể kiếm được ít tiền hơn nhưng bù lại là sự ổn định và an toàn, cũng như cơ hội học hỏi để nâng cao kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm", người đàn ông này đúc rút. 

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 7
Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 9

Nhìn căn nhà bề thế, khang trang của vợ chồng anh Trần Trung Chinh (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nhiều người không khỏi trầm trồ. Nhưng ít ai biết rằng, người đàn ông này đã phải đánh đổi bằng 13 năm quần quật ở xứ người, với tư cách là lao động... chui. 

Năm 2007, trước "làn sóng" ra nước ngoài làm giàu của người dân Cương Gián, ông Chinh bàn với vợ, quyết định vay mượn gần 200 triệu đồng để sang Hàn Quốc. "Khi đó, con gái út của tôi mới 2 tuổi, nay cháu đã 18 tuổi", người cha hầu như không thể chứng kiến từng bước trưởng thành của con kể lại. 

Sau 3 năm làm việc ở nước ngoài, số tiền ông Chinh kiếm được đã đủ để trả nợ, còn có thêm một khoản tích lũy. Thế nhưng, khi chỉ còn vài tháng là hết hạn hợp đồng, ông quyết định trốn ra ngoài.

"Thực ra anh ấy có gọi điện về hỏi ý kiến tôi. Trong thâm tâm của người vợ, không ai muốn chồng mình phải bất chấp nguy hiểm để kiếm tiền, nhất là ở nước ngoài, thân cô thế cô...", bà Trần Thị Nhung, vợ ông Chinh kể. Nhưng chồng đã quyết, bà cũng không biết khuyên ngăn thế nào, chỉ cầu mong ông an toàn, công việc thuận lợi.

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 11

Sau khi trốn ra ngoài, ông Chinh xin vào làm tại một xưởng mộc, thu nhập gần gấp đôi mức lương cũ. Thế nhưng tâm thế của một lao động bất hợp pháp buộc ông phải trốn tránh, sống khép kín, ít giao du. Đi làm về, ông chỉ quanh quẩn trong phòng. Thứ duy nhất khiến cuộc sống bớt buồn tủi là những cuộc điện thoại về nhà trò chuyện với bố mẹ, vợ con. Những lần ốm đau cô độc một mình, người đàn ông lặng lẽ khóc, chỉ biết cắn chặt răng chịu đựng, tự động viên bản thân cố gắng để kiếm thêm chút vốn lo cho các con sau này.

"Thời điểm đó, lao động phổ thông như tôi về nước, làm hồ sơ sang lại Hàn Quốc là rất khó. Lúc đấy cứ nghĩ mình mạo hiểm một chút, chịu khó, chịu khổ để gia đình đủ đầy, con cái sau này đỡ vất vả thôi. 13 năm, kinh tế thì có đấy nhưng vợ xa chồng, con xa cha, rủi ro luôn rình rập...", ông Chinh nói. 

Năm 2020, ông Chinh quyết định về nước. Cũng phải mất một thời gian khá dài để có thể thích nghi lại với cuộc sống vốn đã có quá nhiều thay đổi.

Tổng thời gian xa nhà là 16 năm, cũng ngần ấy thời gian ông Chinh như "đứng ngoài" tất cả sự kiện quan trọng của gia đình. Ngày xách va li ra đi, con gái mới 2 tuổi, nay, con đã 18 tuổi, không còn bé nhỏ nữa.

Ông nuối tiếc đã bỏ lỡ quá nhiều chặng đường đời đầu tiên của con. Khoảng cách thế hệ cộng với quãng thời gian đằng đẵng chỉ trò chuyện qua điện thoại, ông thấy giữa mình và con gái là những khoảng trống tình cảm khó có thể lấp đầy...

Cuộc giải cứu nữ osin chui suýt bị xâm hại - 13

Theo thông tin từ bà Nguyễn Việt Hà, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Cương Gián, toàn xã có hơn 2.300 người đang lao động ở nước ngoài, mỗi năm, lực lượng này gửi về khoảng 500 tỷ đồng. Nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu lao động đã làm cho xã biển "thay da đổi thịt" với hàng nghìn ngôi nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát. Tuy nhiên, "xã xuất ngoại" này cũng đau đầu khi tập trung tới 500 lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài cư trú và lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

Còn Nghệ An hiện có hơn 65.000 lao động tỉnh này đang làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi năm gửi về khoảng 500 triệu USD. Cũng như Hà Tĩnh, địa phương này đang đối mặt với tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước bạn khi hết hợp đồng.

Chỉ tính riêng thị trường Hàn Quốc, liên tục trong nhiều năm, Nghệ An, Hà Tĩnh nằm trong danh sách có địa phương bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang quốc gia này do có số người bỏ trốn cao. Thời điểm này, có 3 huyện là Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò đang bị Hàn Quốc "cấm cửa" lao động. 

 (Còn nữa)

Nội dung: Hoàng Lam - Xuân Sinh - Dương Nguyên - Thanh Tùng

Thiết kế: Thủy Tiên