DNews

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người

Minh Nhật Mạnh Quân

(Dân trí) - Nơi đây những bữa ăn luôn "tranh thủ", giấc ngủ chỉ là cái chợp mắt 5 phút, để hơn 100 chuyến xe cấp cứu cấp tập lăn bánh trên khắp nẻo đường Thủ đô mỗi ngày, mang hy vọng sống đến cho người bệnh.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người (Video: Minh Nhật).

Chuông điện thoại vang liên hồi trong "tổng hành dinh" 115

- Alo! Cấp cứu 115 xin nghe!

- Bệnh nhân bị làm sao cần cấp cứu vậy chị?

- Tình trạng hiện nay của bệnh nhân như thế nào, có bệnh nền không ạ?

Vừa hỏi, nhân viên điều phối cấp cứu vừa nhanh chóng ghi lại thông tin quan trọng của người bệnh vào sổ điều phối.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 1

Mỗi giờ đồng hồ có hơn 100 cuộc điện thoại đổ về đường dây 115 Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Chỉ 1-2 phút sau, trên bản đồ giám sát, chiếc xe tại vị trí Bệnh viện Đa khoa Đống Đa "bật sáng", di chuyển. Một hành trình cứu người cấp tốc bắt đầu.

19h tại Phòng điều phối cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 (Hà Nội) tiếng chuông điện thoại vang liên hồi. Mỗi giờ đồng hồ hơn 100 cuộc gọi đổ dồn về các đầu máy đường dây nóng 115.

Một cuộc gọi đến từ phố Đại Đồng. Phía đầu dây bên kia, người phụ nữ hoảng loạn khi 2 người già trong nhà bất ngờ mê man, nghi đột quỵ.

"Chị cố gắng bình tĩnh, kiểm tra giúp em huyết áp của 2 cụ. Xe cấp cứu đang trên đường đến ngay", điều dưỡng Nguyễn Thúy Lan, nhân viên điều phối cấp cứu liên tục trấn an và hướng dẫn người nhà sơ cứu bệnh nhân.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 2
Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 3

Bộ phận này được ví như "nhạc trưởng" của Trung tâm cấp cứu 115. Nơi tiếp nhận, xử lý thông tin và điều động các xe cấp cứu từ 8 trạm cấp cứu vệ tinh được trải đều trên khắp địa bàn Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ giữ tính mạng và sức khỏe người bệnh, người bị tai nạn trước khi có thể tiếp cận cơ sở y tế.

Theo điều dưỡng Lan, sau khi nhận cuộc gọi báo cấp cứu, nhân viên trực đường dây nóng sẽ ghi nhận địa chỉ, số điện thoại, tình trạng bệnh nhân. Dựa vào vị trí người bệnh, nhân viên điều phối sẽ liên lạc đến trạm vệ tinh gần nhất điều động xe.

Hệ thống bản đồ giám sát cho phép nhân viên điều phối có thể theo dõi được hoạt động của tất cả 15 xe cấp cứu và thông tin lạc luôn được thông suốt, từ đó có phương án điều phối hiệu quả nhất.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 4

Từ màn hình tại Phòng điều phối cấp cứu có thể quan sát hoạt động của các xe 115 (Ảnh: Mạnh Quân).

Toàn bộ quy trình từ khi trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đến lúc xe cấp cứu tiếp cận được người bệnh thường mất khoảng 10 - 20 phút tùy thuộc vào quãng đường và thời điểm gọi.

"Chúng tôi luôn nhanh chóng tiếp nhận thông tin, điều động chính xác,  bình tĩnh xử trí và phải nhanh, rất nhanh", BSCKI Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.

Theo BS Thắng, với những người bệnh cần cấp cứu, đặc biệt là các trường hợp đột quỵ, đau tim, bệnh lý hô hấp, chấn thương nặng do tai nạn, thời gian chính là mạng sống của người bệnh. Một phút chậm trễ trong cấp cứu trước viện, sợi dây sinh mệnh của bệnh nhân lại càng thêm mong manh.

Vị Phó Giám đốc ví công việc của 115 như một cuộc đua kéo dài 24 giờ mỗi ngày, ngày này sang ngày khác. Tất cả mọi công đoạn, dù là nhỏ nhất, phải đặt yếu tố tốc độ, chính xác, bình tĩnh lên hàng đầu.

Đêm trắng 115

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 5

Toàn bộ quy trình từ khi trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đến lúc xe cấp cứu tiếp cận được người bệnh thường mất khoảng 10 - 20 phút tùy thuộc vào quãng đường và thời điểm gọi (Ảnh: Mạnh Quân).

Chuông báo vang lên tại phòng trực Trung tâm cấp cứu 115 kích hoạt một hành trình cứu người mới.

Rất nhanh, chiếc xe cấp cứu với ê kíp 3 người (tài xế, bác sĩ, điều dưỡng) đã xuất phát. Thông tin từ bộ phận điều phối báo về: Người bệnh có biểu hiện co giật.

Sau 12 phút di chuyển, xe dừng trước một con ngõ nhỏ trên đường Tân Ấp,  2 y bác sĩ nhanh chóng đi sâu vào bên trong tiếp cận nhà bệnh nhân.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 6

Người đàn ông có tình trạng co giật (Ảnh: Mạnh Quân).

Trên gác lửng, người đàn ông ngoài 40 tuổi run cầm cập, ý thức không còn minh mẫn.

Ngồi bên cạnh vợ bệnh nhân đã không còn giữ được bình tĩnh, nói đứt đoạn, thở gấp: "Chồng em bị làm sao thế này?", "Bác sĩ cứu chồng em với!"...

Sau khi đánh giá nhanh tình hình tại hiện trường, BS Nguyễn Quang Minh và nữ điều dưỡng của kíp cấp cứu tiến hành kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Song song với đó, thông tin về tiền sử bệnh, diễn biến của bệnh nhân cũng được khai thác từ người nhà.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 7
Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 8

Phương án xử trí được kíp cấp cứu xây dựng ngay sau khi thu thập được các thông tin cần thiết.

"Huyết áp 160/100. Chưa quá cao gia đình cần bình tĩnh, chúng tôi sẽ đưa anh vào bệnh viện nhanh nhất có thể", BS Minh thông tin cho người nhà bệnh nhân.

Người bệnh được BS Minh và 3 người nhà khiêng cẩn thận xuống chiếc cầu thang hẹp, dốc đứng. Trước cửa nhà, chiếc cáng đẩy đã chờ sẵn.

Chiếc xe cấp cứu bắt đầu lăn bánh, cấp tốc hướng về Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ở đầu con ngõ, cả gia đình vẫn đứng dõi theo đến khi xe mất hút trong màn đêm, chỉ còn nghe thấy tiếng còi báo hú vang.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 9

Bác sĩ tiếp tục khai thác các thông tin tiền sử bệnh của bệnh nhân (Ảnh: Mạnh Quân).

Sau khi nữ điều dưỡng thiết lập xong dây oxy gọng kính cho nam bệnh nhân, BS Minh tiếp tục khai thác thêm thông tin từ người nhà. Lịch trình sinh hoạt của người bệnh và tiền sử bệnh lý của những thành viên trong gia đình được hỏi kỹ.

BS Minh nói, đây đều là các dữ kiện quan trọng để khoanh vùng căn nguyên gây ra bệnh và đưa ra hướng xử trí sao cho phù hợp.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 10

Bệnh nhân bất ngờ diễn biến, có các triệu chứng nghi động kinh (Ảnh: Mạnh Quân).

Di chuyển được 2km, bệnh nhân có diễn biến bất ngờ: toàn thân co cứng, mắt trợn ngược. Mẹ bệnh nhân không giữ được bình tĩnh khóc nghẹn, người vợ run lập bập nói không thành tiếng.

Chiếc xe nhanh chóng tìm một điểm đỗ an toàn trên đường Yên Phụ. Ở khoang sau, quy trình cấp cứu khẩn cấp được kích hoạt.

Xác định tình trạng bệnh nhân nghi động kinh, BS Minh ra y lệnh yêu cầu điều dưỡng một liều tiêm an thần cho người bệnh. Sau khi vào máu, thuốc nhanh chóng có tác dụng, triệu chứng co giật của người đàn ông giảm dần và biến mất chỉ sau vài phút.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 11

Kíp cấp cứu nhanh chóng tiêm an thần cho bệnh nhân (Ảnh: Mạnh Quân).

"Ngay khi diễn biến, chúng tôi phải dùng thuốc an thần để ổn định tình trạng bệnh nhân sớm nhất có thể. Bệnh nhân cắt triệu chứng nhanh còn giúp trấn an tâm lý của người nhà, tránh cho họ hoảng loạn quá mức", BS Minh chia sẻ.

Theo BS Minh, đối với một nhân viên 115, bên cạnh sự nhanh nhạy trong xử trí tình huống, bắt buộc phải có một "tinh thần thép".

Bệnh nhân và người nhà hầu như đều trong tình trạng hoang mang, lo lắng. Do đó, kíp cấp cứu phải giữ mình không bị cuốn theo sự hoảng loạn này. Bình tĩnh xử trí tình huống thật chính xác và ổn định tình hình.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 12

Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để cấp cứu (Ảnh: Mạnh Quân).

"Nhiều trường hợp các y bác sĩ 115 phải thực hiện nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh chịu áp lực rất lớn từ những người xung quanh, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông hay trường hợp cấp cứu tối cấp.

Tinh thần thép của chúng tôi được tôi luyện dần qua những thử thách như vậy", BS Minh nói, chia sẻ thêm rằng, trước khi nhận nhiệm vụ trong kíp cấp cứu, các y bác sĩ phải có thời gian "học việc" 3 tháng để quen với môi trường làm việc nhiều áp lực này.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 13

Vụ tai nạn xảy ra ở phố Xã Đàn, chiếc xe của nạn nhân vỡ nát phần đầu (Ảnh: Mạnh Quân).

Gần nửa đêm, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên phố Xã Đàn. Thông tin ngay lập tức được báo về 115. Chiếc xe cấp cứu xuất phát từ trạm trung tâm đến được hiện trường chỉ sau hơn 10 phút.

Sau cú va chạm mạnh, nam thanh niên 20 tuổi nằm bất động trên mặt đường. Ở bên cạnh, chiếc xe máy của nạn nhân đã vỡ nát phần đầu.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 14

Vừa tiếp cận bệnh nhân, y sĩ Nguyễn Tiến Long đánh giá nhanh chóng tình trạng ý thức của người bệnh:

- Anh tên gì?

- Bao nhiêu tuổi?

- Nhà ở đâu?

- Có biết mình vừa bị làm sao không?

"Glassgow 15 điểm, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo", y sĩ Long nhận định sau khi bệnh nhân trả lời được hết các câu hỏi. Anh tiếp tục kiểm tra nhanh các tổn thương toàn thân.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 15
Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 16

Xác định được bệnh nhân bị đau ở cổ và đùi trái, kíp cấp cứu tiến hành nẹp cột sống cổ và nhẹ nhàng vận chuyển bệnh nhân lên cáng, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cơ sở y tế phù hợp gần nhất, để cấp cứu.

Sau khi ổn định vị trí trên xe, kíp cấp cứu kẹp máy SpO2 lên ngón tay bệnh nhân, đồng thời tiến hành đo huyết áp, nhịp tim. Việc này giúp theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Y sĩ Long dùng tay kiểm tra kỹ tình trạng của bệnh nhân để đảm bảo không bỏ sót các vị trí bị chấn thương.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 17

Bệnh nhân bị chấn thương cổ và đùi trái (Ảnh: Mạnh Quân).

 "Bệnh nhân chỉ bị chấn thương nhẹ ở cổ đùi trái và đau cổ, hạn chế vận động cổ. Phần chân có thể chỉ bị chấn thương nhẹ vì nếu bị gãy khi ấn vào sẽ rất đau, khiến bệnh nhân la toáng lên. Kiểm tra toàn thân từ ngực, bụng, lưng đến tay không phát hiện thêm vị trí tổn thương nào khác", y sĩ Long nói.

Anh chia sẻ thêm rằng, với các bệnh nhân tai nạn giao thông, khi tiến hành cấp cứu trước viện phải thật cẩn trọng kiểm tra các tổn thương, đặc biệt là tình trạng gãy xương.

Bệnh nhân có vết gãy kín hay hở đều phải lưu ý vận chuyển thật khéo léo. Vận chuyển không đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị sốc, làm cho tình trạng bệnh xấu đi.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 18

"Bệnh nhân may mắn vì với vụ va chạm mạnh như vậy thông thường sẽ dẫn đến những tổn thương nặng hơn như: gãy xương, thậm chí là chấn thương sọ não", y sĩ Long nói.

Sau khi bàn giao nam thanh niên cho Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, y sĩ Long trở về xe, thở phào vì bệnh nhân tiên lượng tốt, sẽ sớm hồi phục, đặc biệt là khi bệnh nhân còn rất trẻ.

"Bệnh nhân may mắn vì với vụ va chạm mạnh như vậy thông thường sẽ dẫn đến những tổn thương nặng hơn như: gãy xương, thậm chí là chấn thương sọ não", y sĩ Long nói.

Anh tâm sự rằng, trong quá trình làm nhiệm vụ, đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thực sự đau lòng và tiếc nuối. Nạn nhân tuổi còn rất trẻ đã phải đối mặt với tương lai mịt mờ phía trước vì bị chấn thương sọ não hay thậm chí là kết thúc cuộc đời.

Những hộp cơm nguội ngắt giữ guồng quay nóng

Hoàn thành chuyến xe cấp cứu thứ 9 trong ngày lúc 21h30, ông Trần Văn Oánh, sinh năm 1963, lái xe cấp cứu tại trạm trung tâm tranh thủ ăn tối.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 19

Có những bữa cơm phải ăn 2 tiếng mới hết vì thường xuyên bị gián đoạn bởi những chuyến xe cấp cứu (Ảnh: Mạnh Quân).

Hộp cơm được người vợ mang đến trước đó 3 tiếng đã nguội ngắt được ông ăn ngon lành, không quên khoe rằng, mình là người may mắn nhất cơ quan khi ngày nào cũng được ăn "cơm nhà".

Vừa ăn được nửa phần cơm, tiếng chuông báo từ phòng trực lại vang lên. Như một phản xạ, ông Oánh gác đũa, đóng nắp hộp, lao vội ra xe.

25 năm làm lái xe 115, một bữa cơm phải ăn 3 - 4 lần mới xong đã trở thành chuyện thường tình với bác tài này.

Đêm trắng 115: Trăm lần báo động và những chuyến xe thần tốc giữ mạng người - 20

Tại Phòng điều phối cấp cứu, các nhân viên sẽ thay phiên nhau ăn cơm tối để đảm bảo vẫn duy trì xuyên suốt hoạt động (Ảnh: Mạnh Quân).

Mỗi ca trực của lực lượng 115 kéo dài 24 tiếng và cũng từng đó thời gian nhịp độ làm việc ở trạng thái căng như dây đàn, khi các ca cấp cứu "không có giờ nghỉ".

Nơi đây những bữa ăn luôn "tranh thủ", một giấc ngủ đôi khi chỉ là cái chợp mắt 5 phút, để hơn 100 chuyến xe cấp cứu có thể cấp tập lăn bánh trên khắp các nẻo đường của Thủ đô mỗi ngày, mang hy vọng sống đến cho người bệnh.

Nội dung và video: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân