Độ bão hòa oxy trong máu có ý nghĩa ra sao với bệnh nhân Covid-19?

(Dân trí) - Tình trạng thiếu oxy hòa tan trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn.

Độ bão hòa oxy trong máu là gì?

Khí oxy là một thành phần quan trọng giúp con người có thể duy trì sự sống. Khi chúng ta thở, oxy ở trong không khí sẽ đi vào phổi. Một thành phần rất quan trọng của máu là Hemoglobin (Hb) sẽ vận chuyển oxy từ phổi đến các nơi cần thiết trong cơ thể để đảm bảo sự sống.

Mỗi phân tử Hemoglobin (Hb) có thể kết hợp với 4 phân tử oxy. Phân tử Hemoglobin được gọi là bão hòa oxy khi nó đã kết hợp với cả 4 phân tử oxy.

Độ bão hòa oxy trong máu có ý nghĩa ra sao với bệnh nhân Covid-19? - 1

Hemoglobin (Hb) sẽ vận chuyển oxy từ phổi đến các nơi cần thiết trong cơ thể để đảm bảo sự sống.

Độ bão hòa oxy trong máu được biểu thị bằng chỉ số SpO2 (Saturation of peripheral oxygen), cho biết tỷ lệ Hemoglobin có oxy trên tổng lượng Hemoglobin trong máu. Nếu tất cả các phân tử Hemoglobin trong máu đều gắn với oxy thì độ bão hòa oxy đạt 100%.

Chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh các dấu hiệu như: nhiệt độ, mạch, nhịp thở và huyết áp. Khi máu bị thiếu oxy, các cơ quan như tim, gan, não... sẽ chịu tác động tiêu cực rất nhanh. 

Hầu hết các phân tử Hb sẽ gắn với oxy khi chúng đi qua phổi. Một người khỏe mạnh bình thường khi thở ở không khí trên mực nước biển sẽ có độ bão hòa oxy động mạch là 95-100%.

- Nếu lượng oxy trong máu hòa tan ở khoảng 97-99%: oxy trong máu tốt.

- Nếu lượng oxy trong máu hòa tan ở khoảng 94-96%: oxy trong máu trung bình - cần cho thở thêm oxy.

- Nếu lượng oxy trong máu hòa tan ở khoảng 90-93%: oxy trong máu thấp - nên có y tá hoặc bác sĩ theo dõi hoặc đến bệnh viện gần nhất.

- Nếu SpO2 dưới 92% không thở oxy hoặc dưới 95% có thở oxy: đây là các dấu hiệu suy hô hấp rất nặng.

- Nếu độ bão hòa oxy thấp hơn 90%: đây là một cấp cứu trên lâm sàng.

Vì vậy, cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm.

Hiện tại, để có thể đo nồng độ bão hòa oxy trong máu, chúng ta có thể sử dụng một số thiết bị đo chuyên dụng hoặc các loại đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thông minh như Apple Watch 6, Oppo band, Huawei Band 6 hay Xiaomi Mi Band 6.

Những thiết bị này đều cho phép đo chỉ số SpO2 theo thời gian thực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là giải pháp mang ý nghĩa tham khảo chứ không thể thay thế các phác đồ điều trị. Các thiết bị đeo chỉ hỗ trợ người sử dụng có thể theo dõi tình trạng sức khỏe như một thông tin tham khảo, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định cũng như hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 đạt mức cao nhưng vẫn xuất hiện tình trạng khó thở

Trước đó, vào ngày 25/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại thời điểm hội chẩn, nhiều ca bệnh có chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) vẫn 99% nhưng nhịp thở tăng lên, thể hiện khó thở tăng hơn bình thường nên đã chỉ định đặt oxy để trợ giúp.

"Nếu các thầy thuốc không để ý kỹ, không cảnh báo, chỉ nhìn lượng oxy thấy 99%, dễ chủ quan, trong khi thực tế lâm sàng bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần", PGS Khuê nói.

Độ bão hòa oxy trong máu có ý nghĩa ra sao với bệnh nhân Covid-19? - 2

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết nhiều bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 đạt mức cao nhưng vẫn xuất hiện tình trạng khó thở.

Vì thế, phải làm sao để nhận ra nguy cơ diễn biến nhanh nhất, kịp thời can thiệp. Hiện các chuyên gia đang họp bàn để đưa ra các tiêu chí đánh giá, ví dụ nhịp thở, nếu tăng lên 22 lần phải cảnh giác ngay, rồi nồng độ oxy trong máu, một số chỉ số lâm sàng khác, khi nhận thấy là phải xử lý ngay để tránh diễn biến nặng.

"Có thể bệnh nhân vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số đó có thay đổi, cảnh báo thì các bác sĩ phải chuyển trạng thái ngay, chuẩn bị sẵn các yếu tố như oxy, máy thở và các phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân", PGS Khuê nhấn mạnh.