1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Dùng màng tim heo thay van động mạch chủ trên người

(Dân trí) - Bằng phương pháp can thiệp qua da, bệnh viện Đại học Y Dược vừa thực hiện thủ thuật dùng vật liệu nhân tạo được chế biến từ màng ngoài tim heo để thay van động mạch chủ trên người. Đây là thủ thuật ít xâm lấn, giúp sức khỏe người bệnh nhanh chóng bình phục.

Gần một tháng trước, cụ Trần Sỹ C. (81 tuổi, ngụ tại Quận 12, TPHCM) bị tức ngực, khó thở, sức khỏe sa sút. “Ngày 28/12, khi đang ăn cơm với con cháu, tôi thấy ngực trái đau dữ dội, cảm giác như có ai bóp nghẹt tim mình. Tôi chỉ kịp kêu lên, cứu... cứu rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm trong phòng hậu phẫu.”

Thông tin từ bệnh viện cho hay, cụ Sỹ C. nhập viện trong tình trạng khẩn nguy với chẩn đoán bị suy tim độ III do hẹp van động mạch chủ nặng. Cụ mắc nhiều bệnh mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận. Trên nền cơ địa của bệnh nhân lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh mạn tính, nếu thực hiện cuộc mổ hở để thay van, cụ Sỹ C. khó có nguy cơ tử vong trên bàn mổ hoặc tai biến sau phẫu thuật.

Sau thủ thuật thay van nhân tạo, sức khỏe cụ Sỹ C. đã bình phục rất tốt
Sau thủ thuật thay van nhân tạo, sức khỏe cụ Sỹ C. đã bình phục rất tốt

Sau khi hội chẩn, được gia đình đồng ý, dưới sự giúp sức chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Singapore bệnh viện Đại học Y Dược đã quyết định thực hiện thủ thuật can thiệp qua da, thay van động mạch chủ cho người bệnh. PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho biết: “Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được bệnh viện thực hiện. Chúng tôi đã mở một lỗ thông qua da từ động mạch chủ ở đùi, với sự hỗ trợ của thiết bị chụp mạch máu xóa nền, van động mạch chủ được lồng vào ống thông đi lên tim và thả đúng vào vị trí của van cần thay.”

Nói thêm về kỹ thuật trên, TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trung tâm tim mạch bệnh viện cho biết: “Trước đây, việc thay van phải thực hiện mổ mở lồng ngực, đặt hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, sau đó bác sĩ mới có thể thay van cho người bệnh. Đây là một ca mổ lớn với vết mổ dài khoảng 18 đến 20cm, thời gian mổ kéo dài từ 3 đến 4 giờ, thời gian hồi sức 2 tuần, người bệnh phải mất 2 tháng để phục hồi. Với thủ thuật thay van qua da, chúng tôi chỉ mở một lỗ nhỏ để lồng ống thông vào động mạch chủ ở đùi, sau đó đưa van đến vị trí cần đặt và tiến hành thả van để thay thế. Thời gian thực hiện việc can thiệp chỉ tốn từ 30 đến 40 phút.”

TS Hoàng Định cho biết, với trường hợp của cụ Sỹ C. chỉ vài giờ sau cuộc mổ, cụ đã có thể tự đi lại, ăn uống bình thường. Loại van được sử dụng để thay van động mạch chủ cho cụ Sỹ C. gồm 2 phần, vùng viền ngoài là khung hợp kim, phía trong lòng van gồm 3 cánh làm bằng màng ngoài của tim heo đã được chế biến. Vật liệu nhân tạo trên trước đây đã được ứng dụng để thay thế van động mạch chủ ở những cuộc mổ hở. Van nhân tạo này phải nhập về từ Mỹ vì Việt nam chưa sản xuất được. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, van có thể có tuổi thọ từ 15 năm đến 20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới.

Cùng với trường hợp của cụ Sỹ C. bệnh viện Đại học Y Dược cũng vừa thực hiện thành công việc thay thế loại van nhân tạo trên bằng kỹ thuật can thiệp qua da cho cụ bà Lê Thị K. (78 tuổi, ngụ tại Gia Lai) bị vôi hóa van động mạch chủ. Hiện, sức khỏe của cả hai bệnh nhân đang bình phục tốt.

Phân tích của PGS Trương Quang Bình cho thấy, đây là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn rất phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp khẩn nguy. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thủ thuật thay van tốn tới hơn 800 triệu đồng (riêng chiếc van nhân tạo đã có giá từ 33.000 đến 35.000USD) trong khi bảo hiểm y tế chưa chi trả thì không nhiều người bệnh Việt Nam có thể tiếp cận với kỹ thuật này.

Cũng như các biện pháp can thiệp khác, việc thay van động mạch chủ bằng van nhân tạo tồn tại các rủi ro như: làm thay đổi đường dẫn truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất, nguy cơ rối loạn nhịp tim (nếu trường hợp trên xảy ra, bệnh nhân phải đặt thêm máy tạo nhịp tim); van thay thế có thể bị hở thành van hoặc van bám không sát, nguy cơ van hở càng lớn ở những bệnh nhân bị vôi hóa.

Vân Sơn