1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hà Nội: Vợ chở chồng tìm viện trong đêm, ghế đá thành giường vì muỗi

Minh Nhật Phương Linh

(Dân trí) - Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại Hà Nội. Nhiều gia đình xáo trộn cuộc sống khi có một người thân mắc bệnh.

Vợ chở chồng tìm viện trị sốt xuất huyết trong đêm

"Chồng tôi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm còn 35G/L mà vẫn phải điều trị ở nhà", chị N.T.T., sống tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Trước đó, chồng chị T. nhận kết quả xét nghiệm tiểu cầu giảm mạnh. Ngay trong đêm, chị T. lấy xe chở chồng đi viện.

Hà Nội: Vợ chở chồng tìm viện trong đêm, ghế đá thành giường vì muỗi - 1

Nhiều bệnh nhân trẻ bị sốt xuất huyết diễn biến nặng (Ảnh: Mạnh Quân).

Chồng chị vốn là người khỏe mạnh, to cao nhưng sau khi nhiễm bệnh liền nằm liệt, ngồi dậy cũng cần người đỡ và sốt cao liên tục 4 hôm. Đến ngày thứ 5, anh hạ sốt nhưng người bỗng mệt lả, không ăn uống được khiến chị rất lo lắng.

Hàng ngày, sau khi đón con về nhà, chị T. đều vội vàng chạy ra bệnh viện để chăm chồng. Các giường bệnh đều kín bệnh nhân nên chồng chị phải nằm ghép, còn chị đành nằm tạm trên dãy ghế bên ngoài phòng bệnh.

"Tôi phải nhờ bà ngoại từ quê lên chăm các con còn mình cố gắng túc trực tại bệnh viện nhiều nhất có thể. Trước giờ chồng tôi cũng chưa bao giờ ốm nặng như vậy nên cả nhà đều lo lắng, không dám đưa về nhà điều trị mà ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi", chị T. chia sẻ về tình trạng của chồng.

Bệnh viện thành "nhà", ghế đá thành "phòng ngủ"

Trường hợp của chị T. không phải hiếm. Anh Đ.N.L., sống tại Thái Nguyên, cũng phải nghỉ việc để lên Hà Nội chăm mẹ.

"Mẹ tôi bị giảm tiểu cầu đến mức 8G/L, các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh đều yêu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị gấp. Hôm nay đã là ngày thứ 5 bà phải nhập viện để truyền tiểu cầu", anh L. nói.

Hà Nội: Vợ chở chồng tìm viện trong đêm, ghế đá thành giường vì muỗi - 2

Nhiều gia đình xáo trộn cuộc sống khi có một người thân mắc sốt xuất huyết (Ảnh: Đỗ Khánh).

Bác sĩ liên tục khuyên bà phải ăn vào để tăng tiểu cầu trong máu nhưng bà không ăn được, ăn thịt thì nôn thốc nôn tháo. Anh L. phải mua tạm sữa cho mẹ uống cầm hơi. Đến ngày thứ 6, anh phải xin bác sĩ tiêm thuốc chống nôn cho mẹ để có thể nạp thêm thức ăn vào người.

"Mẹ tôi đã có tuổi, gia đình đều lo lắng sẽ gặp biến chứng nên tôi xin nghỉ phép một tuần để chăm mẹ. Đến nay đã gần hết tuần mà bà vẫn chưa khỏi bệnh nên tôi buộc phải tiếp tục xin nghỉ.

Con cái ở nhà phải để vợ vừa đi làm vừa chăm lo. Kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng vì tôi là lao động chính trong nhà, vợ tôi thì sức khỏe không tốt nên tôi không dám để cô ấy lên chăm mẹ", anh L. chia sẻ.

Cả tuần qua, anh L. liên tục phải ngủ tạm trên ghế đá ngoài sân của bệnh viện. "Đến ghế trong viện cũng chật kín người nhà bệnh nhân, tôi là đàn ông nên đành nằm tạm trên ghế đá để nhường chỗ cho các chị đến chăm gia đình", anh L. nói.

Có những hôm bà sốt liên tục nên anh phải thức trắng đêm để trông mẹ, hễ thấy có gì bất thường là anh chạy đi gọi bác sĩ luôn.

"Ngày nào tôi cũng tranh thủ vài phút đi ăn tạm hộp cơm ở nhà ăn bệnh viện rồi chạy về phòng bệnh nhân luôn. Cơm hộp cũng chỉ dám mua loại rẻ nhất để tiết kiệm tiền lo thuốc thang viện phí cho bà", anh L. nói về quá trình chăm mẹ.

Trường hợp khác là anh N.V.N., sống tại Hà Nội, đến nay đã là tuần thứ hai anh ở lại viện chăm vợ bị sốt xuất huyết.

"Vợ tôi sốt cao không dứt, người nổi nhiều hạch và liên tục bị nôn", anh N. nói.

Ban đầu, anh vẫn đi làm trong ngày và tối về đến bệnh viện để chăm vợ nhưng tình trạng của cô ngày càng chuyển biến nặng. Đặc biệt cô bị nôn nhiều và nôn ra máu nên anh phải xin nghỉ làm để túc trực cạnh vợ.

"Trước đây tôi cũng từng bị sốt xuất huyết nhưng chỉ 3 ngày là cắt cơn sốt, một tuần là khỏi hẳn. Vậy nên khi nhìn vợ liên tục bị sốt trong hơn một tuần khiến tôi rất lo lắng. Bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ biến chứng nặng nên buộc phải nhập viện dài ngày và cần người chăm sóc", anh N. chia sẻ.

Anh gần như ở lại bệnh viện cả ngày, chỉ tranh thủ lúc vợ hạ sốt để chạy về nhà tắm rửa và ăn uống nhanh. Cả hai vợ chồng đều nghỉ làm nên anh chọn ăn tạm ở nhà để tiết kiệm thêm một khoản tiền.

"Nhà tôi cách bệnh viện 10km nên đi lại cũng rất tốn kém. Tiết kiệm được gì thì phải tiết kiệm vì chưa biết vợ tôi sẽ phải nhập viện đến bao giờ", anh N. nói.

Cũng như nhiều gia đình có thành viên bị bệnh khác, anh phải gửi con nhỏ về quê vì không có thời gian chăm sóc. "Ông bà nội cũng đã có tuổi nhưng giờ gia đình không còn cách nào. Mẹ thì ốm mà bố phải đi suốt nên chỉ có thể nhờ vả ông bà", anh N tâm sự.

Hà Nội giám sát chặt sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó).

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp để đáp ứng.

Theo ông Bùi Quốc Vương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm.

Đồng thời, ngành y tế đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hà Nội đã chuẩn bị 4.200 giường để phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Hiện mỗi ngày tại các cơ sở y tế trung bình tiếp nhận 500 lượt bệnh nhân sốt xuất huyết ra/vào. Tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các cơ sở y tế là gần 2.900 bệnh nhân.

Về công tác dự phòng, trong 10 tháng đầu năm, thành phố đã giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở. Thường xuyên tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch.

Cộng dồn đến ngày 31/10, CDC Hà Nội đã giám sát 723 lượt điểm thuộc 5 khu vực, kết quả 358/723 số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.

Bên cạnh đó, tính đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 1.714 chiến dịch môi trường diệt bọ gậy, đạt 152% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 157 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 12 quận/huyện với 1.254l hóa chất...

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là người ở khu vực có dịch, người có bệnh nền tuyệt đối không tư điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.

Hà Nội: Vợ chở chồng tìm viện trong đêm, ghế đá thành giường vì muỗi - 3

Tọa đàm "Sốt xuất huyết bùng phát, người dân cần làm gì?" được Báo dân trí tổ chức vào thời điểm đỉnh dịch (Ảnh: Hữu Nghị).

Báo Dân trí cũng đã thực hiện tọa đàm Sốt xuất huyết bùng phát, người dân cần làm gì? cùng các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi tại đây.