Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Tài khoản an sinh xã hội và điểm khả tín cá nhân

Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn, tôi ghé thăm và chúc Tết gia đình bác tôi, vốn là quân nhân nghỉ chế độ. Trong câu chuyện đầu năm mới, tôi hỏi về tình hình tiền chính sách của các bác năm nay thế nào, quà tết có khá hơn không. Bác trai nói là tiền chế độ từ giờ trở đi sẽ được chuyển qua tài khoản, và phải nhờ mấy đứa cháu đi rút hộ vì ở xã không có cây ATM.

Bác gái ngồi kế bên bổ sung thêm các cụ cỡ trên dưới 80 tuổi như hai bác thì toàn dùng điện thoại "cục gạch", nên rất khó tiếp cận các ứng dụng được tích hợp trên điện thoại thông minh; kể cả con cháu có tặng cho cái điện thoại mới thì cũng lớ ngớ, mắt kém, không quen vào tài khoản trực tuyến. "Người già mua sắm đơn giản, chỉ dùng tiền mặt thôi, cho nên trước mắt cứ phải cậy nhờ con cháu lấy hộ mỗi khi có tiền chính sách. Cũng dích dắc nhưng hai bác vẫn đăng ký chi trả trợ cấp qua tài khoản theo xu hướng chung", bác gái nói.

Tôi hiểu những bỡ ngỡ của hai bác và đây cũng là điều bình thường, bởi Bắc Ninh là một trong những địa phương đang tích cực triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.

Tài khoản an sinh xã hội và điểm khả tín cá nhân - 1

Một người dân được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM)

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp, bao gồm người cao tuổi, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.v.v… Ngoài ra số người tham gia bảo hiểm xã hội đến hết tháng 9/2023 khoảng trên 17,5 triệu người; trong đó BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu người, BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người. Đến đầu tháng 12/2023, cả nước đã có 91,837 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Những con số thống kê nêu trên cho thấy các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng với mức trợ giúp ngày càng cao hơn, việc áp dụng các công cụ hiện đại trong quản lý và thực hiện chính sách là tất yếu. Chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chi trả chế độ qua tài khoản nói riêng giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.

Những năm gần đây ở các đô thị đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử, QR code và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Vì vậy có thể nói việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản sẽ mang lại sự thuận tiện cho hàng triệu người dân

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, tôi hiểu rằng quá trình chuyển đổi số liên quan đến chi trả an sinh xã hội sẽ phải vượt qua những rào cản nhất định bắt nguồn chủ yếu từ chính những đặc điểm của các nhóm xã hội đang thụ hưởng (một bộ phận là người già, neo đơn, cư trú ở những nơi chưa phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt). Tuy nhiên, sự linh hoạt trong triển khai chính sách sẽ giải quyết các vấn đề này trong thời gian trước mắt, và về lâu dài, việc thiết lập được một hệ thống tài khoản an sinh xã hội sẽ là bước tiến rõ rệt trong quá trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số ở nước ta, đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan Nhà nước và người thụ hưởng.

Lợi ích dễ thấy nhất của việc chi trả qua tài khoản là sẽ giúp cơ quan quản lý các nguồn an sinh xã hội tiết kiệm được thời gian, nhân lực, tiện lợi hơn trong việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; khi cần có thể nhanh chóng kiểm tra từng trường hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu địa phương hoặc quốc gia.

Với những người thụ hưởng chính sách an sinh xã hội thì không chỉ không mất thời gian đi nhận và quản lý tiền mặt, mà việc chi trả hàng tháng có thể thực hiện tự động cho nên sẽ đúng lịch hơn.

Ngày 11/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cấp "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân trên ứng dụng VNeID được nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản theo yêu cầu.

Việc tích hợp tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VneID sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thêm thông tin phục vụ công tác quản lý, và nhờ gắn với mã số định danh cá nhân, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra tiêu cực trong quá trình xét duyệt đối tượng thụ hưởng.

Kế hoạch thiết lập hệ thống "Tài khoản an sinh xã hội" sẽ là bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đổi mới cách thức tương tác giữa chính quyền và người dân. Tuy nhiên, cùng với bước tiến này, các cơ quan quản lý cần chú ý tới khả năng thích ứng của từng nhóm xã hội để xây dựng lộ trình phù hợp, thực sự đem đến sự tiện lợi và hài lòng cho những người thụ hưởng.

Đối với nhóm công dân đặc thù như người cao tuổi, người tàn tật, người neo đơn… vẫn muốn nhận tiền mặt thì cơ quan quản lý ở địa phương nên xây dựng cách thức đáp ứng phù hợp. Cùng với thời gian, khi thói quen mới đã hình thành và trở nên phổ biến thì số người muốn nhận tiền mặt chắc chắn sẽ giảm.

Sự linh hoạt theo từng nhóm đối tượng như vậy có thể khiến cơ quan quản lý nguồn an sinh xã hội vất vả hơn, tốn thời gian hơn nhưng cũng sẽ giúp quá trình chuyển đổi số nhận được sự đồng thuận rộng rãi, đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của từng công dân chứ không chỉ hướng đến thành tích thiết lập tài khoản.

Được biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp chấm điểm khả tín nhằm đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Xét đến đặc điểm phần lớn những người đang thụ hưởng an sinh xã hội thuộc nhóm yếu thế thì tài khoản an sinh xã hội sẽ trở nên hữu ích hơn, nếu cá nhân sở hữu tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận hạn mức tín dụng khi gặp tình huống cần thiết. Ví dụ, ngân hàng quản lý nguồn an sinh xã hội của cá nhân sẽ tính toán một hạn mức tín dụng nhất định, tối thiểu tương đương với 24 tháng an sinh xã hội của người đó để định ra mức cho vay.

Cá nhân khi có nhu cầu sử dụng hạn mức tín dụng nêu trên thì có thể rút tiền mặt và mức lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, để tránh nguy cơ lạm dụng sự hỗ trợ, ngân hàng cần ban hành quy định về một khoản thanh toán tối thiểu cố định, được tự động khấu trừ theo tỷ lệ từ số tiền an sinh xã hội hàng tháng.

Nếu thực hiện được như vậy, tài khoản an sinh xã hội sẽ không đơn giản chỉ để thay thế hình thức chi trả tiền mặt, mà còn trở thành phương tiện hữu ích cho cá nhân khi gặp tình huống đột xuất. Bằng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng an toàn, tài khoản an sinh xã hội giúp cá nhân có thể vượt qua trạng thái khó khăn tài chính nhất thời, giảm bớt nguy cơ túng quẫn đến mức phải tìm đến với các khoản vay nặng lãi, khiến khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Với những người không ở trạng thái khó khăn tài chính, hạn mức tín dụng cũng có thể kích thích tiêu dùng hợp lý. Với nhóm này thì tài khoản an sinh xã hội sẽ góp phần cung cấp thêm các lựa chọn tài chính cho cá nhân, qua đó gia tăng sự tiện lợi về dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thời gian tới việc bố trí thêm cây ATM tại các địa bàn nông thôn là cần thiết để giảm bớt những bất lợi cho người sử dụng tài khoản an sinh xã hội. Theo đó, dựa vào số người thụ hưởng, mỗi cây ATM có thể được đặt tại một địa điểm trung gian giữa nhiều xã, chứ không nhất thiết phải mỗi xã có một máy rút tiền.

Trên tất cả, những chỉ đạo gần đây của Chính phủ cho thấy việc mở tài khoản an sinh xã hội không đơn giản chỉ là sự thay đổi về hình thức chi trả tài chính. Với các nhóm xã hội yếu thế, ủng hộ Chính phủ trong việc mở tài khoản an sinh xã hội không chỉ góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở nước ta, mà quan trọng hơn, mỗi cá nhân sẽ có thêm một điểm tựa đáng tin cậy mỗi khi gặp khó khăn về tài chính.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!