1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đang phát tín hiệu muốn sớm khép lại chiến sự ở Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, Nga có thể đang phát đi tín hiệu cho thấy quan điểm đã bớt cứng rắn, làm dấy lên hy vọng rằng cuộc chiến của Moscow ở Ukraine sẽ sớm khép lại.

Nga đang phát tín hiệu muốn sớm khép lại chiến sự ở Ukraine? - 1

Triển vọng đàm phán khép lại chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang khá mơ hồ (Ảnh: AFP).

Al Jazeera nhận định, lập trường cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine dường như đang có dấu hiệu dịu đi, trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm khá hiếm hoi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ngày 21/10.

Đây là lần thứ hai 2 quan chức cấp cao của Nga và Mỹ điện đàm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. Cuộc điện đàm trước đó diễn ra vào tháng 5 và ông Austin khi đó kêu gọi Nga dừng bắn ngay lập tức khi Moscow đang đạt được đà tiến khá vững chắc ở Donbass và củng cố vị trí ở Kherson, Kharkov.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine trong nhiều tháng qua - cho biết hôm 21/10 rằng, ông Putin đã bớt cứng rắn và cởi mở với phương án đối thoại hơn so với vài tháng trước.

"Chúng ta không vô vọng", ông Erdogan nói về khả năng diễn ra các cuộc đối thoại để khép lại chiến sự.

Cũng vào ngày 21/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, ông Putin đã cởi mở với các cuộc đàm phán "ngay từ đầu" và "điều này không có gì thay đổi".

"Nếu bạn còn nhớ, Tổng thống Putin đã cố gắng bắt đầu các cuộc đàm phán với cả NATO và Mỹ ngay cả trước khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Putin đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán khi một tài liệu gần như đã được thống nhất giữa nhóm đàm phán Nga và Ukraine. Vì vậy, về giải pháp đàm phán, (quan điểm của Nga) không có gì thay đổi. Lập trường của phía Ukraine đã thay đổi… Luật pháp Ukraine hiện cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào", ông Peskov nhấn mạnh.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga sẵn sàng trao đổi với Mỹ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách chấm dứt cuộc chiến, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị đàm phán nghiêm túc nào.

Theo Al Jazeera, cuộc xung đột lớn nhất tại châu Âu trong hàng thập niên vừa qua đã được so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 về mức độ nghiêm trọng. Nhiều nhà lãnh đạo đã cảnh báo về nguy cơ Thế chiến III, hay chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, giới quan sát nhận định, các diễn biến này đặt ra câu hỏi rằng liệu Mỹ và Nga nên ngồi xuống đàm phán để tránh xung đột lan rộng ra ngoài Ukraine - kịch bản có thể dẫn tới leo thang nguy hiểm.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Shoigu, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây thông tin liên lạc giữa 2 bên" dù căng thẳng đang leo thang vì cuộc chiến ở Ukraine.

Ngoài ra, theo giới quan sát, Ukraine gần đây cũng đã bắt đầu tiến hành chiến dịch phản công trên toàn tuyến, khiến Nga phải rút lui ở một số khu vực. Vì vậy, Al Jazeera cho rằng, việc Nga tính đến các phương án khép lại chiến sự, trong đó bỏ ngỏ cánh cửa đàm phán, là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Mặt khác, Nga vẫn có những lợi thế nhất định trên chiến trường nhờ tiềm lực quân sự vượt hơn đối thủ. Các cuộc tập kích quy mô lớn của Moscow thời gian qua vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử được xem là nhằm gây áp lực lên phía Kiev. Đây có thể là động thái nhằm làm gia tăng sức nặng cho Nga trên bàn cờ chiến sự, để họ có lợi thế hơn nếu bước vào một cuộc đàm phán trong tương lai.

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Theo Al Jazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine