Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt: Bức tranh xã hội sống động, đời thường

Viên Minh

(Dân trí) - Bộ sách "Chuyện đời xưa", "Chuyện giải buồn", "Chuyện cười cổ nhân" góp phần tạo nên một bức tranh xã hội sống động, đời thường, với đủ người tốt và kẻ xấu, cái hay và cái dở, vật chất và tâm linh.

Bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt

Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách Chuyện đời xưa, Chuyện giải buồn, Chuyện cười cổ nhân, của các nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Vương Hồng Sển. 

Bộ sách được in bìa cứng trang trọng, phong cách trình bày cổ điển và minh họa đậm chất dân gian truyền thống, bởi họa sĩ Đặng Văn Long, Lâm Chí Trung.

Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt: Bức tranh xã hội sống động, đời thường - 1

Bìa sách "Chuyện đời xưa" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Ở trang đầu Chuyện đời xưa, tác giả Trương Vĩnh Ký cho biết ông "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích" để đưa vào cuốn sách này.

Trong 74 câu chuyện, độc giả có thể thấy một số câu chuyện quen thuộc, như Ông Cống Quỳnh, Mưu trí hơn là sức mạnh, Thằng khờ đi mua vịt... do tác giả dày công sưu tập về cách ăn ở, ứng xử trong đời.

Điểm giá trị trong cuốn sách này nằm ở độ hiếm của các câu chuyện sưu tầm và ngôn ngữ thời đó. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký viết Chuyện đời xưa để "con nít tập đọc chữ Quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho quen".

Về ngôn ngữ, ông tự đánh giá "người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích, vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng An Nam ròng, có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm".

Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt: Bức tranh xã hội sống động, đời thường - 2

Bìa sách "Chuyện cười cổ nhân" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Chuyện cười cổ nhân của Vương Hồng Sển gồm 203 truyện, tổng hợp từ 43 sách và tài liệu cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, nhiều cuốn trong đó hiện đã tuyệt bản. 

Tác giả là người đọc nhiều và sưu tầm nhiều tư liệu. Điểm đắt giá trong cuốn sách này chính là những lời bàn, bản gốc, tư liệu tham khảo, giải thích từ ngữ, chứ không chỉ ở nội dung câu chuyện.

Ví dụ, trong bài Mảng lo viết văn, vốn dịch từ bản tiếng Pháp, bên dưới bản tiếng Việt, tác giả đăng hẳn ba bài văn Pháp để bạn đọc tiện so sánh đối chiếu.

Hoặc trong bài Uống rượu bằng chén, ông tỉ mỉ ghi thêm giải thích về "chén hạt mít", "chén mắt trâu", "chén tốt, chén quân, chén tống".

Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt: Bức tranh xã hội sống động, đời thường - 3

Bìa sách "Chuyện giải buồn" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của gồm 112 chuyện, chuyển thể từ những chuyện chữ Hán hoặc các chuyện xảy ra tại thời điểm của tác giả.

Trong phiên bản lần này, tác phẩm mang đặc trưng giữ nguyên bản những từ ngữ Nam Bộ và cách hành văn mà tác giả đã dùng ở thời điểm viết tác phẩm. Điều này giúp bạn đọc tiếp cận và hiểu thêm về ngôn ngữ vùng đất mới khai phá thời kỳ nửa sau thế kỷ 19.

Tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ bình dân để phù hợp với dân trí và nhận thức của người dân Nam Bộ thời kỳ đó.

Chuyện giải buồn ở đây cũng không phải chuyện mua vui, mà là những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị dùng làm bài học khuyên đời. Đoạn cuối hoặc câu cuối mỗi câu chuyện thường là lời đúc kết thấm thía.

Những giá trị của bộ sách

Sưu tầm nhiều chuyện kể lưu truyền trong dân gian, ba cuốn sách này chuyên chở những bài học về đối nhân xử thế, phản ánh phong tục, cách nghĩ, lời ăn tiếng nói của người bình dân, vừa mang lại những tiếng cười vui, vừa ẩn tàng sự thâm thúy. 

Độc giả sẽ bắt gặp những câu chuyện rất quen thuộc mà các bộ sách truyện cho thiếu nhi sau này soạn lại nhiều lần, mang hơi hướng ngụ ngôn, cổ tích, hoặc kể về sự việc trong đời sống.

Đó là các chuyện cười chê sự hà tiện, tính cậy mạnh, thói tham lam, sự dốt mà hay nói chữ, tính dối trá, việc vong ân phụ nghĩa, tật sợ vợ, thói biếng nhác, nghề ăn trộm… 

Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt: Bức tranh xã hội sống động, đời thường - 4

Bộ sách "Chuyện cười cổ nhân", "Chuyện đời xưa", "Chuyện giải buồn" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Bộ sách đưa người đọc quay về quá khứ, quan sát đời sống của người dân Việt Nam nhiều thế kỷ trước, với những tập tục, nếp sinh hoạt, các nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội thuộc về một thời đã qua. Đây là nguồn tư liệu quý cho chúng ta hiểu được xã hội Việt Nam thời đó.

Tất cả mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ với thiên nhiên, với mọi nghĩa tình hay mâu thuẫn, đều được phản ánh tinh tế, hài hước qua lăng kính dân gian.

Bộ sách giúp người đọc thấy được một chặng đường phát triển của chữ Quốc ngữ từ xưa đến nay, hiểu thêm về sự phong phú và sức biểu cảm của tiếng nói dân tộc, đồng thời góp phần tạo nên một bức tranh xã hội sống động, đời thường, với đủ người tốt và kẻ xấu, cái hay và cái dở, vật chất và tâm linh.

Vương Hồng Sển (1902 - 1996) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tầm đồ cổ. Ông có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.

Ông đam mê đọc sách và ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn tác phẩm của ông được viết dưới dạng hồi ký, khảo cứu.

Khi qua đời, ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và bộ sưu tập đồ cổ (tổng cộng 849 cổ vật) cho Nhà nước, với hi vọng thành lập một bảo tàng. Năm 2003, ngôi nhà cổ này được UBND TPHCM công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Huỳnh Tịnh Của hay Hùinh Tịnh Của hay còn gọi Paulus Của, sinh năm 1830  (có tài liệu ghi năm 1834) tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông là một nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ nổi tiếng của Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Ông đã có những đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, truyền bá chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu ở miền Nam Việt Nam. Ông mất ngày 26/1/1908 (có tài liệu ghi năm 1907).

Trong lĩnh vực báo chí, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút tờ Gia Định Báo (tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, ra đời ngày 15/4/1865). Theo thống kê đến nay, ông có hơn 25 tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ. 

Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), hồi nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải, là một học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt nam trong thế kỷ XIX.

Ông am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa, để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, đại lý, từ điển và dịch thuật,... Riêng đối với báo chí tại Việt Nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.