Tranh “triệu đô” dát vàng tuyệt đẹp của danh họa Gustav Klimt

(Dân trí) – Một họa sĩ đam mê với vàng, với vẻ đẹp phụ nữ và tràn đầy dục vọng, ông là Gustav Klimt. Tranh ông đương thời bị lên án, bị phá nát, nhưng ngày nay hậu thế sẵn sàng trả hàng chục, hàng trăm triệu đô la để được sở hữu.

Tranh “triệu đô” dát vàng tuyệt đẹp của danh họa Gustav Klimt



Gustav Klimt (1862 – 1918) là một họa sĩ người Áo theo trường phái tượng trưng. Tranh của ông đặc trưng với chủ thể lớn là vẻ đẹp thể xác của người phụ nữ. Theo đó, Klimt thể hiện sự cuốn hút trong vẻ đẹp của người phụ nữ bằng những nét vẽ chân thật, thoát khỏi sự ước lệ và lý tưởng hóa của những họa sĩ thuộc thế hệ trước.

Gustav Klimt là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh chị em. Ông và hai em trai đều có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Cha ông – Ernst Klimt là một thợ kim hoàn, chuyên chạm khắc những đồ trang sức bằng vàng. Mẹ ông - bà Anna Klimt cũng có năng khiếu với âm nhạc, trong cuộc đời, bà luôn có một ước mơ được trở thành nhạc công chuyên nghiệp.

Klimt từ nhỏ đã sống trong nghèo khó nhưng ông vẫn được cha mẹ tạo điều kiện ăn học đàng hoàng. Ông từng theo học trường Mỹ thuật – Điêu khắc ở thành phố Viên của Áo. Ban đầu, Klimt tuân thủ theo những chuẩn mực sáng tác truyền thống được học ở trường, những tác phẩm của ông mang đậm chất cổ điển.

Cho tới năm 1892, khi lần lượt cha và một người em trai của Ernst qua đời, lúc này ông phải chịu trách nhiệm chu cấp cho mẹ, những đứa em còn chưa thể tự lập và gia đình nhỏ của cậu em. Đây được coi là bi kịch cả về tình cảm và vật chất đối với Klimt. Nó đã ảnh hưởng tới góc nhìn nghệ thuật của ông. Kể từ đây, ông phát triển phong cách nghệ thuật mới, mang đậm màu sắc cá nhân, tôn thờ chủ nghĩa phồn thực.

Bức Judith với nhiều chi tiết dát vàng ở phần nền


Bức "Judith" với nhiều chi tiết dát vàng ở phần nền

“Tai nạn nghề nghiệp” lớn nhất trong sự nghiệp của Klimt xảy ra vào năm 1894. Khi đó, Klimt được mời vẽ ba bức tranh để trang trí trên trần của tòa sảnh chính thuộc trường Đại học Viên. Khi hoàn thành, ba bức tranh được mang tên Vật lý, Dược và Luật. Chúng đã bị phê phán dữ dội vì xu hướng nghệ thuật cực đoan và bị coi là những tác phẩm “khiêu dâm”.

Sau đó, ông vẽ bức “Nuda Verita” (1899) như một bản tuyên ngôn mạnh mẽ về phong cách nghệ thuật mới mà mình theo đuổi. Trong đó, một người phụ nữ tóc đỏ khỏa thân nắm trong tay một chiếc gương mà ông gọi là “chiếc gương sự thật”, trên đầu cô là lời trích dẫn của triết gia người Đức Friedrich Schiller: “Nếu bạn không thể làm hài lòng đa số, hãy làm hài lòng thiểu số. Làm hài lòng đa số thật tệ hại.”

Một giai đoạn nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Klimt là “Giai đoạn Hoàng kim”. Các sáng tác thời kỳ này nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới phê bình. Nhiều bức sử dụng những lá vàng ròng làm chất liệu. Nổi tiếng nhất là hai bức “Portrait of Adele Bloch-Bauer I” (Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer I, vẽ năm 1907) và “The Kiss” (Nụ hôn, 1907).

Bức “Portrait of Adele Bloch-Bauer I”


Bức “Portrait of Adele Bloch-Bauer I” (Chân dung của Adele Bloch- Bauer I)

Người ta thường nói rằng, vì cha của Klimt là một người thợ kim hoàn chuyên chạm khắc những đồ trang sức bằng vàng nên Klimt từ nhỏ đã bị “ám ảnh” bởi vẻ đẹp lấp lánh của vàng. Ông coi đó là chất liệu tuyệt mỹ và nhờ những kỹ thuật tiếp thu được từ cha, ông đã cho ra đời những tác phẩm độc đáo và đắt giá hàng đầu thế giới.

Bức “The Kiss” (Nụ hôn) được coi là sáng tác đỉnh cao trong sự nghiệp của Klimt. Trong đó, ông dùng những lá vàng dát lên nhân vật. Ngày nay, “The Kiss” được coi là một trong những biểu tượng cho hội họa thế kỷ 20. Nó đã “tóm tắt” tình yêu trong một hình ảnh tuyệt đẹp. Vẻ say mê trên khuôn mặt người phụ nữ, vòng tay bảo vệ đầy tôn kính như đang ôm một nữ thần của người đàn ông đã cho thấy một tình yêu hoàn hảo.

Bức The Kiss


Bức "The Kiss"

Nhưng bức tranh thể hiện rõ nhất phong cách vẽ của Klimt phải kể đến “Danae”. Nó hội tụ cả sự đam mê với vàng, với vẻ đẹp của phụ nữ và dục vọng trong tính cách Klimt. Nàng Danae là một nhân vật tồn tại trong thần thoại Hy Lạp. Danae là con gái của vua Acrisius xứ Argos. Vì không có con trai nối dõi nên Acrisius tới hỏi một nhà tiên tri liệu có thể thay đổi điều này không.

Nhà tiên tri bảo rằng nhà vua sẽ bị chính cháu trai, con của nàng Danae giết chết. Khi đó, Danae chưa lấy chồng, để tránh việc Danae sinh con, nhà vua đã nhốt cô vào một tòa tháp. Thần Dớt biết chuyện đã tới thăm nàng công chúa xinh đẹp. Ngài hóa thành một cơn mưa vàng và tình tự với Danae khiến nàng có mang. Sau đó, đứa con trai của họ là Perseus đã ra đời.

Bức Danae


Bức "Danae"

Vào đầu thập niên 1890, Klimt gặp Emilie Louise Floge và người phụ nữ này trở thành người đồng hành trong suốt cuộc đời ông. Tuy vậy, bên cạnh Floge, Klimt vẫn qua lại với rất nhiều phụ nữ khác. Mối quan hệ giữa ông và người bạn gái chính thức vẫn luôn là điều gây tranh cãi trong giới nghiên cứu tiểu sử.

Họ cho rằng giữa Klimt và Floge tồn tại một thứ tình cảm không chỉ đơn thuần là tình yêu mà còn là tình bạn, sự ngưỡng mộ. Họ dành cho nhau những khoảng trống riêng tư trong cuộc đời. Klimt là cha của ít nhất 14 đứa con và cho tới nay, người ta vẫn không biết con số thực chất là bao nhiêu.

Bức “The Tree of Life” (Cây đời) với những chi tiết dát vàng


Bức “The Tree of Life” (Cây đời) với những chi tiết dát vàng

 
Năm 1918, Klimt qua đời vì một cơn đột quỵ.  Ông ra đi để lại rất nhiều bức tranh chưa được hoàn tất. Hiện nay, tranh của Klimt nằm trong top những tác phẩm đắt giá nhất trên thị trường. Năm 2003, một tác phẩm của ông được bán với giá hơn 29 triệu đô la, mở ra thời kỳ hậu thế bắt đầu chuộng tranh Klimt. Những bức sau này mang thương hiệu Klimt cũng đều được bán ở mức hàng chục triệu đô la. Nổi tiếng nhất là bức “Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer I” từng được trả giá tới 135 triệu đô la.
 
Ông là một trong mười họa sỹ vĩ đại nhất thế kỷ 19 (đầu thế kỷ 20) do tạp chí Times bình chọn.
 
Pi Uy
Tổng hợp