DNews

Cửa ngõ phía Đông TPHCM "oằn mình" chờ nút giao An Phú

Thư Trần

(Dân trí) - An Phú là nút giao phức tạp nhất TPHCM với lưu lượng xe container rất lớn. Việc đóng một phần giao lộ này và phương án phân luồng đang được nghiên cứu để tránh gây áp lực lên cửa ngõ phía Đông.

Cửa ngõ phía Đông TPHCM "oằn mình" chờ nút giao An Phú

"Đang kẹt xe, gọi hoài", dứt cuộc điện thoại, anh tài xế chồm người, nhìn qua cánh cửa sổ ô tô đang mở hờ, gương mặt cau có, tỏ ra mất kiên nhẫn. 

7h30 sáng, dòng xe nườm nượp đổ dồn về nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Hướng từ Mai Chí Thọ về cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, những chiếc ô tô nhích từng chút một cách "khổ sở". Trong tiếng còi inh ỏi, hàng trăm, nghìn xe máy cũng đang vật lộn ở hướng đường Song Hành, Nguyễn Thị Định để ra đến đường Mai Chí Thọ rồi vòng về trung tâm. 

Đó là tình trạng giao thông mỗi ngày vào giờ cao điểm tại An Phú, nút giao phức tạp nhất TPHCM.

Nút giao "gánh" xe container nhiều nhất

Đóng vai trò cửa ngõ quan trọng phía Đông TPHCM và là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường lớn, nhưng nút giao An Phú vẫn là đồng mức dạng ngã 5. Giờ cao điểm, kẹt xe kéo dài hàng kilomet ở khắp các ngả đường như Lương Định Của, Mai Chí Thọ, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Xe cộ chạy loạn xạ, đôi khi xe máy còn chạy lấn làn ô tô vì họ cũng không có đường
Anh Phạm Tuấn Luân Tài xế xe container

Áp lực giao thông tại cửa ngõ phía Đông khiến mục tiêu hoàn thành dự án xây dựng nút giao An Phú càng được TPHCM đặt ra cấp bách hơn. Tuy nhiên, lưu lượng xe cộ đông đúc vào giờ cao điểm, cộng với quá trình thi công nhiều hạng mục hầm chui, cầu vượt... của dự án phải rào chắn, thu hẹp nhiều diện tích mặt đường, giao thông khu vực này càng trở nên hỗn loạn hơn. 

Đây cũng là nút giao có mật độ giao thông cao nhất của TPHCM, đặc biệt là lượng xe container đi về cảng Cát Lái và phía cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, ước tính 20.000 lượt mỗi ngày.

Nhiều tài xế cho biết họ mất khoảng 30 phút để vượt qua 2 nút giao gồm An Phú và Đồng Văn Cống để đi vào cảng Cát Lát.

Cửa ngõ phía Đông TPHCM oằn mình chờ nút giao An Phú - 1

Dòng xe container nối dài hướng về cảng Cát Lái chờ qua nút giao An Phú (Ảnh: Hải Long).

"Nút giao này sớm hoàn thành ngày nào, dân đỡ cực ngày đó. Hơn một năm rưỡi thi công, cứ vào hai khung giờ cao điểm sáng chiều là xe không nhích nổi. Xe cộ loạn xạ, đôi khi xe máy còn chạy lấn làn ô tô vì họ cũng không có đường", anh Phạm Tuấn Luân, tài xế xe container nói.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Vinh (ngụ TP Thủ Đức) nói mỗi ngày đi làm qua nút giao An Phú là nỗi ám ảnh. 

"Canh giờ đi sớm nhưng có những hôm không tránh được ùn tắc. Đi qua nút giao chỉ một đoạn nhưng thường mất rất nhiều thời gian. Hy vọng các công trình sớm được hoàn thành hoặc có biện pháp phân luồng đường thích hợp hơn", anh Vinh phàn nàn. 

Đóng một phần giao lộ để thi công nhanh

Trước áp lực giao thông này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (TCIP - chủ đầu tư), cho biết chủ đầu tư cùng Sở GTVT TP, đơn vị tư vấn và CSGT TPHCM đang nghiên cứu phương án đóng cục bộ giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ để rút ngắn tiến độ thi công. 

Phương án này cũng vừa được đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đề xuất tại buổi kiểm tra công trường thực tế của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vào chiều 12/4. 

"Hiện nay, để làm một đốt hầm sẽ mất khoảng 4 tháng, nhưng nếu có thể thi công cùng lúc 2 đốt hầm thì thời gian có thể rút ngắn còn 6 tháng là xong. Khi chiếm dụng khu vực giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, chúng ta sẽ tận dụng thời gian từ nay đến 2/9 để hoàn thành", ông Lương Minh Phúc nói.

Nếu phương án đóng giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ được thông qua, dự án có thể rút ngắn tiến độ hoàn thành hầm chui và cầu vượt 3-4 tháng
Lương Minh Phúc Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM

Theo ông Lương Minh Phúc, các cơ quan chuyên mô đang nghiên cứu phương án thi công đồng bộ khu vực này trong khi chiếm dụng cục bộ giao lộ, nhưng phải đảm bảo không quá xáo trộn đến việc đi lại của người dân.

Cửa ngõ phía Đông TPHCM oằn mình chờ nút giao An Phú - 2

Giờ tan tầm từ 17h30 đến 18h30, khu vực nút giao An Phú nườm nượp xe đổ về từ 4 hướng (Ảnh: Hải Long).

"Việc tổ chức phân luồng để đường đi vẫn thông thoáng, tuy nhiên bất tiện là người dân sẽ phải vòng xa hơn", ông Phúc cho hay.

Ví dụ thay vì đi từ đường Mai Chí Thọ sang Đồng Văn Cống, theo phương án sẽ tạm thời chiếm dụng giao lộ và dòng xe sẽ rẽ phải để đi tiếp trục Mai Chí Thọ để đến hầm vượt sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, một đoạn đường D1 sẽ được mở rộng để phương tiện quay đầu tạm. Sau đó, xe có thể đi tiếp để về hướng cầu Giồng Ông Tố. 

Hiện Sở GTVT TPHCM đang chủ trì kiểm tra đánh giá trên mô hình. Nếu áp dụng được, thời gian thi công hầm chui và 2 nhánh cầu vượt có thể tiết kiệm được 3-4 tháng so với phương án thi công lần lượt từng đốt hầm. 

"Hai tuần sắp tới, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, CSGT TP sẽ có buổi làm việc chi tiết để đưa ra phương án cuối cùng. Rất mong bà con chia sẻ khó khăn chung trong giai đoạn này", ông Lương Minh Phúc nói. 

Cửa ngõ phía Đông TPHCM oằn mình chờ nút giao An Phú - 3

Dòng xe ùn ứ kéo dài từ đường Song Hành, đường Nguyễn Thị Định ra đến đường Mai Chí Thọ (Ảnh: Hải Long).

Lãnh đạo TCIP cũng cho hay khi áp dụng phương án chiếm dụng giao lộ kể trên, chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu hoàn thành hầm chui HC1 và đưa vào thông xe dịp 2/9 năm nay, đồng thời hoàn thiện đồng bộ 2 đơn nguyên cầu Giồng Ông Tố, cầu Bà Dạt.

"Lúc đó chúng ta sẽ tính toán khai thác những hạng mục đã hoàn thành trước để giảm áp lực giao thông", ông Lương Minh Phúc thông tin. 

Dự án nút giao An Phú được khởi công hồi tháng 12/2022. Công trình có thiết kế 3 tầng, là nút giao khác mức với hầm chui 2 chiều nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Quy mô mặt cắt ngang phần đường 10-12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe.

Hiện nay, hầm chui HC1-1 đang trong giai đoạn thi công các đốt hầm hở. Đơn vị thi công đang cải tạo đường Mai Chí Thọ kết nối vào đường D1, phục vụ tổ chức giao thông trước khi thi công các đốt hầm kín tại nút giao Đồng Văn Cống.

Gói thầu dự kiến được hoàn thành trong tháng 10. Trong trường hợp Sở GTVT TP chấp thuận phương án đóng nút giao Đồng Văn Cống để tổ chức thi công đồng thời 4 đốt hầm kín, gói thầu sẽ hoàn thành vào ngày 2/9 năm nay.

Hầm chui HC1-2 cũng đang ở bước thi công các đốt hầm hở. Các đơn vị đang cải tạo vỉa hè đường Mai Chí Thọ để phục vụ tổ chức giao thông trước khi thi công các đốt hầm kín tại nút giao An Phú. Gói thầu dự kiến hoàn thành cuối tháng 6/2025.

Cầu Bà Dạt hiện hoàn thành 80% mặt cầu, đang được thi công mố cầu, nhánh cầu và đường đầu cầu. Dự kiến gói thầu hoàn thành cuối tháng 6 tới. Còn cầu Giồng Ông Tố dự kiến hoàn thành vào 2/9/2024.