1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông, suối

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối ở một số khu vực trên địa bàn huyện Ia Pa.

Ngày 19/4, UBND tỉnh Gia Lai thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực địa bàn huyện Ia Pa.

Thời gian qua, do tình hình biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất, địa hình và dòng chảy khiến việc sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Huyện Ia Pa đang có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16km. Hàng năm có khoảng 23.600m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân bị sạt lở.

Một số vị trí sạt lở nghiêm trọng như Trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng), thôn Quý Đức (xã Ia Trok), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn). Dòng chảy đang ép sát bờ sông, suối gây sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ và có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông, suối - 1

Một số khu vực trên địa bàn huyện Ia Pa bị ảnh hưởng do sạt lở (Ảnh: Minh Phương).

Tình trạng sạt lở này đã ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình thủy lợi, tuyến quốc lộ đường Trường Sơn Đông, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân; nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản của các hộ dân, công trình phòng, chống thiên tai, hạ tầng giao thông quan trọng của nhà nước…

Trước tình hình đó, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực: Trạm bơm điện Chư Răng 2, thôn Quý Đức, cầu Ia Kdăm thuộc địa bàn huyện Ia Pa.

Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đề nghị huyện Ia Pa cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để khắc phục hậu quả; thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, sạt lở; kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn (nếu có).

Đồng thời, cơ quan chức năng cần bố trí, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại nơi sơ tán theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Kịp thời bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các khu vực ngập lụt hoặc bị sạt lở nghiêm trọng; tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt, lở nhằm nhanh chóng khắc phục triệt để tình trạng sạt lở.