1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng ở Lạng Sơn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đánh giá thuận lợi khi thực hiện cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là vốn ngân sách nhà nước chiếm 50%; còn khó khăn là giải phóng mặt bằng.

Sáng 15/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức buổi họp báo hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2024. 

Tại buổi họp báo, vấn đề triển khai xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng trị giá 11.024 tỷ đồng, dài 60km (nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần xây dựng công trình 568, Công ty cổ phần LIZEN) được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. 

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết sau khi tiếp nhận dự án, đơn vị đã nhận diện được một số khó khăn, thuận lợi.

Trong đó, một trong những thuận lợi chính là sự mong mỏi, quan tâm lớn của chính quyền, người dân tỉnh Lạng Sơn đối với dự án.

Ông Vĩnh thông tin, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có vốn ngân sách nhà nước gần 5.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% nguồn tiền của dự án và đây là thuận lợi rất lớn. 

Đối với nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ huy động đầy đủ từ các nguồn lực hiện có để sẵn sàng thực hiện dự án.

Thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng ở Lạng Sơn - 1

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Chúng tôi đặt mục tiêu quý III 2024 sẽ tổ chức thi công đại trà trên toàn tuyến và đến 2025 sẽ thông toàn bộ tuyến và cuối cùng hoàn thành dự án vào năm 2026", ông Vĩnh bày tỏ tự tin dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Về khó khăn, ông Vĩnh đánh giá, tuyến cao tốc đi qua 4 huyện, 15 xã của tỉnh Lạng Sơn nên quá trình triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. 

Tập đoàn Đèo Cả đã thống nhất với tỉnh Lạng Sơn dự kiến bàn giao mặt bằng sau 6-9 tháng và đây là điều kiện cần thiết để thông tuyến và hoàn thành dự án. 

Thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng ở Lạng Sơn - 2

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về vấn đề vật liệu thi công dự án, phía nhà đầu tư đề nghị tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu tăng công suất khai thác của các mỏ vật liệu hiện có trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư cần ký cam kết với những nhà cung cấp mỏ vật liệu để bình ổn giá. 

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo 4 huyện, TP mà tuyến cao tốc đi qua là Cao Lộc, Chi Lăng, TP Lạng Sơn, Văn Lãng chủ động đi trước tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện. 

Đối với vấn đề về mỏ vật liệu, đảm bảo an ninh trật tự, và kinh phí thực hiện như nhà đầu tư đề nghị, ông Huyên cho biết tỉnh sẽ tiếp thu và thực hiện.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức ký hợp đồng với nhà đầu tư triển khai dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 5.500 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng công trình hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn là hơn 25 năm.

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc 100km/h; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được thiết kế với vận tốc 80km/h.

Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 5 trạm thu phí.